Vận chuyển 800 tuýp thuốc mỡ chữa bệnh á sừng không rõ nguồn gốc

Tiếp thị - Pháp luật
08:25 PM 20/11/2020

Lực lượng chức năng tỉnh Lạng sơn vùa phát hiện 800 tuýp thuốc mỡ chữa bệnh nhập lậu trên xe ô tô chở khách chạy tuyến Quốc lộ 1B Lạng Sơn-Thái Nguyên.

Vận chuyển 800 tuýp thuốc mỡ chữa bệnh á sừng không rõ nguồn gốc

Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lạng Sơn cho biết, thực hiện chỉ đạo về việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển hàng hóa đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, Đội QLTT số 5 đã nắm bắt tình hình địa bàn và phát hiện nhiều hàng hóa vi phạm.

Cụ thể, Đội QLTT số 5 đã cho dừng xe ô tô chở khách loại 29 chỗ chạy tuyến lạng Sơn-Thái Nguyên, biển kiểm soát 20B-008.41 do có dấu hiệu vận chuyển hàng hóa nhập lậu lưu thông qua tuyến Quốc lộ 1B  đi qua địa bàn thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn.

Qua thẩm tra xác minh là có căn cứ Đội QLTT số 5 đã phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Bắc Sơn tiến hành khám xe ô tô khách biển kiểm soát 20B-008.41, do lái xe Hoàng Văn Vĩnh điều khiển.

Tại thời điểm khám, trong xe ô tô đang vận chuyển 03 loại hàng hóa, có nguồn gốc sản xuất ngoài Việt Nam gồm: Thuốc mỡ chữa bệnh á sừng, tất nữ, giầy vải nữ các loại.

Vận chuyển 800 tuýp thuốc mỡ chữa bệnh á sừng không rõ nguồn gốc - Ảnh 1.

Nhiều hàng hóa vi phạm bị tịch thu. Ảnh: Cục QLTT Lạng Sơn

 Làm việc với cơ quan chức năng, lái xe Hoàng Văn Vĩnh xuất trình 1 tờ hóa đơn bán hàng lập ngày 14/11/2020, do ông Lộc Văn Lập địa chỉ số 11, Khu Ga, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn xuất bán cho bà Vũ Thị Hương địa chỉ phường Chùa Hang, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.

Hàng hóa trên hóa đơn là 1.000 đôi tất và 50 đôi giày vải nữ có trị giá ghi trên hóa đơn là 4,5 triệu đồng. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phát hiện 800 tuýp thuốc mỡ chữa bệnh á sừng do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa được lái xe khai nhận là mua của những người không quen biết ở khu vực cửa khẩu để bán kiếm lời.

Qua xác minh, lực lượng chức năng đã xác định, lập biên bản vi phạm hành chính, trình ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh Lộc Văn Lập về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu với số tiền 1.500.000 đồng và buộc Hộ kinh doanh Lộc Văn Lập nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính với số tiền là 4.500.000 đồng. Đồng thời lập biên bản và trình ban hành Quyết định xử phạt đối với lái xe Hoàng Văn Vĩnh về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu là thuốc chữa bệnh với số tiền phạt là 10.000.000 đồng đồng thời buộc ông Hoàng Văn Vĩnh tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm là số thuốc mỡ nêu trên dưới sự giám sát của Đoàn kiểm tra.

Nói tới thuốc mỡ bôi ngoài da không rõ nguồn gốc, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho biết, hầu hết các loại thuốc mỡ bôi ngoài da đều có độ chống viêm nặng nhẹ khác nhau, tùy thuộc theo thành phần liều lượng. Tuy nhiên đối với loại thuốc mỡ nói chung và thuốc mỡ không rõ nguồn gốc đa phần đều chứa Corticoid.

Corticoid là nhóm thuốc được chỉ định trong nhiều bệnh lý khác nhau do có tác dụng chống viêm, chống dị ứng, ức chế miễn dịch. Vì thuốc thường làm giảm nhanh các triệu chứng, lạm dụng corticoid là hiện tượng khá phổ biến. Nếu dùng trong một thời gian dài hoặc sử dụng không đúng cách chúng có thể gây ra các tác dụng phụ không mong muốn cho người sử dụng.

Một số tác dụng phụ khi sử dụng thuốc mỡ bôi ngoài da có chứa Corticoid như dị ứng, kích ứng da gây ngứa rát, khô da, rậm lông, rạn da, giảm sắc tố trên da, viêm nang lông, teo da, viêm da tiếp xúc dị ứng và giãn mao mạch xuất huyết. Ngoài ra, thuốc mỡ bôi ngoài da này còn khiến vết thương da khó lành, tăng nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm nấm, virus, ký sinh trùng nguy hiểm. Do đó người bệnh cần hết sức lưu ý tác dụng phụ của thuốc mỡ bôi ngoài da có chứa Corticoid.

Trước thực trạng kinh doanh, buôn bán, vận chuyển thuốc không rõ nguồn gốc, để đảm bảo an toàn cho người bệnh, đảm bảo chất lượng thuốc cung ứng cho công tác phòng chữa bệnh thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống thuốc giả thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc, trước đó Cục Quản lý dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo các cơ sở kinh doanh dược, cơ sở sử dụng thuốc tăng cường công tác quản lý, thực hiện đúng các quy định hiện hành về sản xuất, kinh doanh, lưu thông phân phối, sử dụng thuốc và quy định về ghi nhãn thuốc.

Yêu cầu các cơ sở kinh doanh chỉ thực hiện hoạt động kinh doanh theo đúng phạm vi kinh doanh đã dược cấp phép. Chỉ kinh doanh, phân phối, sử dụng các loại thuốc đã được Bộ Y tế cho phép lưu hành và được cung cấp từ các cơ sở kinh doanh dược đã có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược với phạm vi kinh doanh phù hợp.

Triển khai, duy trì việc đáp ứng các tiêu chuẩn thực hành tốt trong toàn bộ hoạt động kinh doanh, bảo quản và sử dụng tại cơ sở theo đúng quy định. Duy trì nghiêm túc việc kiểm tra hậu kiểm, đối chiếu hồ sơ sổ sách, đối chiếu hàng hóa, kip thời phát hiện thuốc hết hạn dùng, thuốc có nghi ngờ về chất lượng. Biệt trữ bảo quản riêng biệt đối với các thuốc có nghi ngờ về chất lượng, nguồn gốc thuốc hết hạn dùng.

Nghiêm cấm mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc trôi nổi, thuốc hết hạn dùng, thuốc đã có thông báo thu hồi, thuốc của các tổ chức, cá nhân không có giấy phép kinh doanh dược.

Đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng công an, quản lý thị trường, hải quan tiến hành điều tra truy tìm tận gốc các vụ việc sản xuất buôn bán thuốc giả, thuốc nhập lậu, thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc chưa được cấp phép sản xuất lưu hành.

An Dương
Ý kiến của bạn