Vẫn còn những yếu tố tác động tới lạm phát cuối năm 2021

Đầu tư và Tiếp thị
04:26 PM 08/09/2021

Trước tình hình dịch bệnh còn nhiều diễn biến khó lường, để kiểm soát được lạm phát theo đúng mục tiêu Quốc hội đề ra, Bộ Tài chính và Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp nhằm bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm 2021.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2021 tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 2,51% so với tháng 12/2020 và tăng 2,82% so với tháng 8/2020. Nhìn chung, CPI bình quân 8 tháng đầu năm 2021 tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng đầu năm 2021 tăng 0,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy lạm phát bình quân 8 tháng tăng thấp nhưng Bộ Tài chính cho rằng, vẫn còn những yếu tố đan xen tác động tới lạm phát cuối năm 2021 như rủi ro lạm phát trên thế giới vẫn tăng cao sẽ có tác động gián tiếp tới nước ta khi giá nhiều loại nguyên, nhiên, vật liệu tiếp tục ở mức cao như xăng dầu, gas, thép khiến giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam tăng, gia tăng tỉ lệ “nhập khẩu lạm phát”. 

Đề xuất một số giải pháp kiểm soát lạm phát trong 4 tháng cuối năm 2021 - Ảnh 1.

Cần tăng năng lực sản xuất của những ngành hàng quan trọng đối với nền kinh tế. Ảnh: Công Thương

Để thực hiện kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội giao, Bộ Tài chính đề xuất triển khai một số biện pháp: Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường giá cả, quản lý kê khai giá, niêm yết giá theo quy định pháp luật. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp. Chủ động tháo gỡ khó khăn và có phương án điều tiết nguồn hàng để tăng lượng cung ứng cho các địa phương có dịch bệnh cần cách ly hoặc giãn cách xã hội, bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân.

Tiếp tục đánh giá, cập nhật kịch bản điều hành giá cho nửa cuối năm để báo cáo Chính phủ, nhất là việc tính toán, điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và phù hợp với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

Trao đổi với báo Công Thương, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê bổ sung: Đối với nguyên liệu đầu vào quan trọng như sắt thép, vật liệu xây dựng, cần thúc đẩy tăng năng lực sản xuất trong nước, việc cung ứng cho thị trường trong nước nên được ưu tiên hơn thị trường xuất khẩu. Đồng thời, chủ động các biện pháp kiểm soát, bình ổn giá các mặt hàng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần sử dụng đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đồng thời, tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung-cầu, xúc tiến thương mại; triển khai các chương trình kích cầu nội địa, nhằm kích thích tiêu dùng và hỗ trợ các doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn