Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Từ di sản thành không gian văn hóa sáng tạo của Thủ đô

Địa phương
03:43 PM 06/06/2023

Trước những yêu cầu mới trong phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thành phố sáng tạo, Văn Miếu - Quốc Tử Giám tiếp tục có những bước chuyển mình thành một không gian văn hóa sáng tạo của Thủ đô Hà Nội.

Địa chỉ văn hóa quan trọng của Thủ đô và cả nước 

Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của Việt Nam, được hình thành từ thời Lý, đến nay trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của cả nước. Di tích này cũng được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 12/5/2012.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Từ di sản thành không gian văn hóa sáng tạo của Thủ đô - Ảnh 1.

Văn Miếu Quốc Tử Giám – trường đại học đầu tiên của Việt Nam (Ảnh: Sưu tầm)

Quần thể kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám bao gồm: Hồ Văn, khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Nội Tự) và Vườn Giám. Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành biểu tượng văn hóa và tinh thần hiếu học của người Hà Nội. 82 tấm bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu và ghi vào danh mục Ký ức thế giới toàn cầu. Những điều này cho thấy, Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ là tài sản quý giá của Thủ đô và cả nước, mà đã trở thành tài sản, di sản văn hóa của nhân loại.

Với giá trị về tâm linh, văn hóa, kiến trúc, trong nhiều năm qua, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám luôn là một trong những điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Từ di sản thành không gian văn hóa sáng tạo của Thủ đô - Ảnh 2.

Toàn cảnh khu di tích nhìn nhìn từ trên cao (Ảnh: Sưu tầm)

Tuy nhiên trải qua những biến cố của lịch sử, có thời gian việc bảo tồn di tích quan trọng hàng đầu của Thủ đô này không được quan tâm đúng mức. Năm 1988, thành phố Hà Nội ra quyết định thành lập Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám là đơn vị quản lý di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Kể từ đó đến nay, công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích này đạt được nhiều kết quả quan trọng, đồng thời tạo nên diện mạo khang trang song vẫn mang đậm nét cổ kính, trầm mặc của một di tích lâu đời là Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thể hiện tính mẫu mực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích ở nước ta. Các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học được tổ chức tại di tích cũng ngày càng bài bản, chuyên nghiệp, tạo hiệu ứng tích cực đối với giới chuyên môn cũng như khách tham quan. 

Tất cả các hạng mục của di tích đều được trùng tu đảm bảo đúng nguyên tắc của công tác bảo tồn, không làm biến dạng, sai lệch kết cấu của các công trình, cổng Tam quan, Khuê Văn Các, điện Đại Thành, giếng Thiên Quang, xây dựng khu Thái học, phục dựng Phương đình và tôn tạo gò Kim Châu, hồ Văn… là những ví dụ sinh động cho nỗ lực của trung tâm để có được hiện trạng như hôm nay.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Từ di sản thành không gian văn hóa sáng tạo của Thủ đô - Ảnh 3.

Khuê Văn Các – biểu tượng của thành phố Hà Nội (Ảnh: Sưu tầm)

Trong các báo cáo hoạt động hằng tháng của Sở Du lịch Hà Nội, Văn Miếu - Quốc Tử Giám luôn nằm trong danh sách những di tích có hoạt động ổn định, điểm đến hấp dẫn của du lịch Thủ đô. Mỗi năm khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan.

Đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám thành không gian văn hóa sáng tạo 

Trước những yêu cầu mới trong phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thành phố sáng tạo, Văn Miếu - Quốc Tử Giám tiếp tục có những bước chuyển mình thành một không gian sáng tạo.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Từ di sản thành không gian văn hóa sáng tạo của Thủ đô - Ảnh 4.

Trao đổi với các cơ quan báo chí, Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết: "Khi Hà Nội gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, chúng tôi thấy việc phát triển những không gian sáng tạo là cần thiết. Nhưng với một di tích như Văn Miếu - Quốc Tử Giám thì triển khai thế nào cũng khá mông lung. Song, dần dần từng bước chúng tôi tìm ra giải pháp.

Trung tâm đang tích cực triển khai theo hướng đưa di tích trở thành không gian tạo cảm xúc cho sáng tạo, không gian tổ chức các hoạt động sáng tạo, không gian trưng bày các sản phẩm sáng tạo... để hình thành nên những giá trị mới cho cộng đồng, cho xã hội, đưa giá trị di sản mang hơi thở của cuộc sống đương đại. Nhưng dù hoạt động như thế nào, thì nền tảng các hoạt động của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám luôn là tôn vinh đạo học, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc".

Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám bây giờ không chỉ là một địa chỉ tham quan, mà từng bước trở thành một không gian văn hóa với nhiều hoạt động phong phú, sinh động, điển hình như các chương trình giáo dục di sản, các cuộc triển lãm, trưng bày, các cuộc thi tìm hiểu, sáng tác về Văn Miếu - Quốc Tử Giám...

Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Từ di sản thành không gian văn hóa sáng tạo của Thủ đô - Ảnh 5.

Học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm văn hóa, lịch sử tại Di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám. Ảnh: Báo Nhân dân

Trước đó, trong cuộc tọa đàm “Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (1988-2023): Kết quả và định hướng hoạt động”, nhân kỷ niệm 35 năm Ngày thành lập Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (25/4/1988-25/4/2023), đại diện nhiều đơn vị, tổ chức và các nhà khoa học đã nêu ý kiến đánh giá và đóng góp sáng kiến, giải pháp, nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Trong đó, GS Nguyễn Vĩnh Cát, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin đề xuất, cần đẩy mạnh phát huy giá trị khu Nội tự, hồ Văn khi đã hoàn thành tu bổ, như xây dựng các chương trình, sự kiện văn hóa vào ban đêm ở hai khu này. Nhà Phương đình ở đảo Kim Châu, hồ Văn có thể tổ chức làm nơi ngâm thơ, bình thơ, cũng có thể tổ chức những đêm ca trù, hát văn...

Đề xuất khai thác công nghệ tại Trung tâm, như: Số hóa, lưu trữ tư liệu, trưng bày, triển lãm..., theo Chủ tịch Công ty Vietsoft Pro Hoàng Quốc Việt, hiện Trung tâm đang phối hợp với đơn vị thực hiện số hóa hệ thống bia tiến sĩ và các công trình tiêu biểu, cũng như số hóa các triển lãm chuyên đề, số hóa tiểu sử danh nhân và truyền thống đạo học ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Trong năm 2023, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai hệ thống trải nghiệm thực tế ảo, cũng như triển khai tour trải nghiệm đêm theo hình thức ứng dụng chiếu sáng nghệ thuật và công nghệ 3D Mapping, tái hiện câu chuyện lịch sử và đạo học...

Các đại biểu tham dự tọa đàm đều đồng thuận với định hướng phát triển Văn Miếu - Quốc Tử Giám thành không gian văn hóa sáng tạo trên cơ sở khai thác giá trị di sản, đạo học. Đề xuất một số giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, thu hút nguồn lực tài chính để bảo tồn và phát huy giá trị di tích… nhằm đưa di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào giai đoạn phát triển mới, thực sự trở thành một điểm đến ngày càng hấp dẫn, giáo dục truyền thống, quảng bá văn hóa Việt Nam và kết nối với bạn bè quốc tế.

Thương Huyền
Ý kiến của bạn
Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam phấn đấu đạt 6 tỷ USD Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam phấn đấu đạt 6 tỷ USD

Dự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu nỗ lực khắc phục được những hạn chế, năm 2025, Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này lên mức 4 tỷ USD và đạt 6 tỷ USD vào năm 2030.