Vận tải biển Việt Nam vượt 'bão' Covid-19, giữ nhịp tăng trưởng
Tuy dịch COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp nhưng vận tải biển Việt Nam năm 2020 vẫn giữ được nhịp tăng trưởng.
Năm 2020, nhìn chung, bức tranh kinh tế hàng hải không có nhiều gam màu sáng. Những tháng đầu năm, ngành tàu biển Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn khi nhu cầu sụt giảm mạnh, đặc biệt là vận tải biển. Tuy nhiên, đến tháng 12/2020, bức tranh này lại nổi lên nhiều "điểm sáng".
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, năm 2020 tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam ước khoảng 689 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2019. Hàng hóa vận chuyển nội địa chủ yếu là các mặt hàng gia dụng, lương thực, than, vật liệu xây dựng, thiết bị máy móc, container, xăng dầu, hàng hoá tổng hợp…
Trong đó, sản lượng hàng container của đội tàu biển Việt Nam ước đạt 2,6 triệu Teus, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Đội tàu mang cờ quốc tịch Việt Nam hiện vẫn đảm nhận được gần 100% lượng hàng vận tải nội địa bằng đường biển, trừ một số tàu chuyên dụng như LPG, xi măng rời,...
Các cảng biển có khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu nhiều nhất là cảng TP.HCM với 162,9 triệu tấn, Vũng Tàu 112,9 triệu tấn, Quảng Ninh 109,6 triệu tấn, Hải Phòng 83,9 triệu tấn…
Về vận tải biển quốc tế, do đại dịch Covid-19 kéo dài khối lượng vận tải quốc tế của đội tàu biển Việt Nam đang đảm nhận giảm so với vài năm gần đây ước đạt 7% thị phần và chủ yếu vận tải các tuyến gần như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và khu vực Đông Nam Á.
Tính đến tháng 12/2020, Đội tàu biển Việt Nam có 1.516 tàu (trong đó tàu vận tải là 1.049 tàu), với tổng dung tích 5,7 triệu GT và tổng trọng tải khoảng 9,3 triệu DWT. Hiện, đội tàu Việt Nam đứng thứ tư trong khu vực ASEAN (sau Singapore, Indonesia và Malaysia) và thứ 30 trên thế giới (dựa theo số liệu thống kê của Diễn đàn Thương mại và phát triển Liên Hiệp quốc (UNCTAD)).
Đội tàu container Việt Nam hoạt động chủ yếu trên các tuyến vận tải ngắn như: Đông Nam Á và Đông Bắc Á; một số tàu hàng rời đã vận tải hàng hóa trên các tuyến châu Âu.
Đạt được kết quả trên là nhờ Cục Hàng hải Việt Nam đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị liên quan, các Cảng vụ triển khai hàng loạt các giải pháp phòng chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, Cục Hàng hải cũng thay đổi các phương thức làm việc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải, các thuyền viên, các Cảng vụ triển khai và duy trì các hoạt động hàng hải nhằm giữ vững đà tăng trưởng trong bối cảnh dịch Covid-19 lan rộng.
Để bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế hàng hải, một thành phần quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết đang triển khai 3 quy hoạch, gồm: Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng cầu cảng, bến phao, khu nước thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và liên minh châu Âu (EVFTA) là cơ hội để ngành hàng hải Việt Nam, đặc biệt là vận tải biển và cảng biển phát triển. Tuy nhiên, làm thế nào để lĩnh vực hàng hải “chớp” được cơ hội này, vươn lên tạo bứt phá?
Để đón đầu cơ hội từ EVFTA, Cục Hàng hải Việt Nam đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải và Chính phủ cần có chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút các tàu trên 20.000 Teus vào các cảng biển lớn của Việt Nam và cắt giảm một số thủ tục không cần thiết. Đối với cơ sở hạ tầng, cần tiếp tục đầu tư có chiều sâu nhằm phát triển hai cảng biển lớn là cảng Cái Mép - Thị Vải và cảng Lạch Huyện để tiếp nhận các tàu mẹ từ châu Âu.
Đại diện các doanh nghiệp hàng hải cho rằng, thời gian tới, năng lực cảng biển Việt Nam cần được nâng cao lên 1,5 - 2 lần. Vì vậy, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam nâng cao năng lực đội tàu, trong đó đầu tư đóng mới; nâng cao tình trạng kỹ thuật; giảm thuế xuất nhập khẩu cho các loại phụ tùng vật tư mà Việt Nam chưa sản xuất được hoặc sản xuất được, nhưng chưa được tổ chức đăng kiểm quốc tế công nhận; miễn giảm thuế thu nhập cho đội ngũ thuyền viên…
Ngoài ra, đại diện các doanh nghiệp vận tải biển cũng có ý kiên, Nhà nước nên ưu tiên dành thị phần vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam cho đội tàu trong nước và đảm bảo thị phần vận tải nhất định (30%) hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu vào Việt Nam cho những đội tàu trong nước.
Thương NhungNgày 28/11, tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) sẽ diễn ra Lễ tôn vinh “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích” năm 2024.