Vận tải chiếm từ 40 - 60% chi phí logistics
Hiện chi phí vận tải trên tổng chi phí logistics của Việt Nam đang ở mức rất cao, lên tới 60%, cao khoảng gấp đôi so với các nước khác. Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị Logistics 2023 với chủ đề “Logistics Việt Nam - Con đường phía trước” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 5/10.
Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Còn theo đánh giá của Agility, năm 2022, Việt Nam xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tốc độ phát triển hằng năm của ngành logistics Việt Nam đạt từ 14-16%, quy mô 40-42 tỷ USD/năm.
Tại hội nghị, bà Phạm Thị Bích Huệ - Chủ tịch Công ty Western Pacific, cho rằng ngành logistics Việt Nam đang có con đường phát triển đầy kỳ vọng. Trong bối cảnh mới nhiều tiềm năng phát triển nhưng để ngành này bước lên được "con đường màu xanh" cần phải kéo giảm chi phí logistics trên tổng GDP của quốc gia vẫn còn điểm nghẽn.
Bà Huệ nêu con số khiến nhiều doanh nghiệp trăn trở là hiện chi phí vận tải trên tổng chi phí logistics của Việt Nam đang ở mức rất cao, lên tới hơn 60%, cao khoảng gấp đôi so với các nước khác. Trong khi chi phí vận tải chỉ chiếm 30 - 40% tổng chi phí logistics. Theo Chủ tịch Western Pacific, đây là con số rất lớn. Nguyên nhân là bởi quy hoạch hạ tầng thiếu đồng bộ, điều tiết từ cơ quan quản lý Nhà nước - đây là một trong những điểm nghẽn lớn nhất. Cùng với đó, quy hoạch hạ tầng tại địa phương thiếu tính đặc thù, không tận dụng tốt thế mạnh của từng vùng, miền.
Tại sự kiện, ông Elias Abraham, Giám đốc điều hành Công ty Zim Intergrated Shipping đánh giá, các ngành như giao hàng, kho vận, xuất nhập khẩu... đều có tiềm năng rất lớn tại Việt Nam.
Hơn 15 năm trước, Việt Nam chưa có dịch vụ nào để đưa hàng hóa đến châu Âu và Mỹ, nhưng nay đã có hơn 200 tuyến dịch vụ logistics đến các khu vực này. Các hãng tàu quốc tế coi Việt Nam là ngôi sao sáng trong ngành.
"Đây được xem là một trong những cam kết của các hãng tàu, cho thấy Việt Nam là một ngôi sao sáng trong ngành logistics và bức tranh trong ngành logistics vẫn có những mảng sáng nhiều hơn" - ông Elias Abraham nói và góp ý cần mở rộng nhiều thị trường mới có tiềm năng như Úc, Nam Mỹ và vùng Địa Trung Hải… bởi đây là các thị trường mà Việt Nam chưa có các chuyến tàu, lộ trình.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội sâu rộng trong phát triển chuỗi logistics trong vòng 2-3 năm tới. Chính phủ đã tạo ra nhiều cơ chế và hành động cụ thể để thu hút dòng vốn khi đã tham gia 19 hiệp định thương mại tự do. Ngoài ra, hiện nay Việt Nam đang có cơ hội thu hút dòng vốn FDI với vị thế ngày một cao trên trường quốc tế.
Cũng trong hội nghị ông Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, hiện nay Việt Nam thiếu các khu kho vận tập trung có vị trí chiến lược, đồng bộ với hệ thống cảng, sân bay, đường quốc lộ, cơ sở sản xuất. Để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư, cần nhanh chóng hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics.
Nhà nước cần hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, tiếp tục rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics.
Mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2025, hoàn thành 3.000km đường cao tốc, và đến 2030 hoàn thành 5.000km đường cao tốc. Ngoài ra, các tuyến đường ven biển, các đường kết nối khác, hạ tầng khác như: sân bay Long Thành, các cảng biển, các sân bay,... cũng đang được tập trung xây dựng, góp phần tăng năng lực cạnh tranh cho nền kinh tế, cũng như góp phần giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp, theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT.
Huyền My (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.