Vận tải đường sắt từ Việt Nam hưởng lợi giữa ‘cơn khát’ container
Thời gian gần đây, do tình trạng thiếu hụt container trên toàn cầu, giá cước vận tải tăng "chóng mặt" khiến thị trường vận tải container gặp nhiều khó khăn, đã thúc đẩy vận tải đường sắt tuyến Trung Quốc - châu Âu, đặc biệt khi nhu cầu hàng hoá khu vực Đông Nam Á ngày càng tăng.
Marco Reichel, Giám đốc phát triển kinh doanh khu vực APAC tại Crane Worldwide Logistics cho biết, công ty đang có "nhu cầu vô cùng lớn" về vận tải đường sắt. "Số lượng các chuyến tàu khởi hành từ Trung Quốc không ngừng tăng lên", ông Marco nói thêm.
Theo đại diện Crane Worldwide Logistics, từ năm ngoái đến nay, các cảng biển đã tắc nghẽn nặng nề và tình trạng chậm trễ trong quá trình vận chuyển hàng hóa vẫn còn tồn tại, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các tàu biển trên khắp thế giới.
Nhiều chuyên gia thị trường quốc tế cho rằng việc giảm công suất của các hãng vận tải biển trong khi nhu cầu tăng cao là bất thường. Joshua Brogan, Phó chủ tịch phụ trách hoạt động chiến lược của AT Kearney, nhận định: "Các hãng vận tải lớn thường muốn đạt doanh thu bằng mọi giá. Họ sẽ tăng công suất khi nhu cầu tăng, từ đó tăng thị phần. Tuy nhiên, hiện các hãng dường như không có động thái tăng công suất. Điều này làm cho cầu vượt cung khiến giá cước tăng vọt".
Theo THE Alliance, sự chậm trễ và gián đoạn đã trở nên nghiêm trọng đến mức ngày càng có nhiều chuyến trống, từ đó dẫn đến nhu cầu về vận tải đường sắt tăng đột biến. Đáng chú ý, nhu cầu đang ngày càng lan rộng đến các tuyến đường khác trong khu vực.
Ông Marco Reichel thông tin, Crane cũng đang vận chuyển hàng hóa qua đường sắt từ Việt Nam, Nhật Bản và Hàn Quốc. Hãng này cũng đang đưa ra một số yêu cầu đối với các tuyến đường kết nối Thái Lan và các quốc gia khác khu vực Đông Nam Á.
"Thường những chuyến này sẽ được vận chuyển qua đường biển ngắn hoặc bằng xe tải đến Trung Quốc, tùy thuộc vào vị trí xuất phát. Tại thời điểm này, các quốc gia đang xem xét mọi biện pháp thay thế, ngay cả Australia", ông nhấn mạnh.
Một tuyến đường sắt mới khác đang dần trở nên phổ biến là đường sắt viễn dương qua cảng Vladivostok của Nga, nơi các chuyến tàu có thể đi thẳng đến châu Âu mà không cần qua bất kỳ cửa khẩu biên giới nào.
Hiện Trung Quốc vẫn chưa cho phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm qua đường sắt. Do vậy, Vladivostok là một lựa chọn tốt để có thể vận chuyển những loại hàng như pin. Một lợi thế khác của Vladivostok đó là tránh được tình trạng tắc nghẽn vận chuyển hàng hóa đường sắt ngày càng gia tăng tại Trung Quốc.
Mới đây, đường sắt Trung Quốc đã thông báo hạn chế đối với các chuyến khởi hành, tại một số nhà ga, số toa xe giới hạn là 120 toa/ ngày. Nguyên nhân chính là do tình trạng tắc nghẽn cao tại các cửa khẩu biên giới, gây áp lực lên các điểm hải quan.
Tham khảo: The Loadstar
Hà TrầnGiá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.