VASEP đề xuất loạt giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp thủy sản

Diễn đàn
10:56 AM 22/06/2023

Trước khó khăn bủa vây doanh nghiệp thủy sản, VASEP đã đề xuất ngân hàng cho doanh nghiệp được giãn nợ các khoản vay đến lịch phải trả trong quý 2-3/2023.

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong 5 tháng năm 2023, các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực đều ghi nhận mức sụt giảm mạnh. Đơn cử như, xuất khẩu cá tra chỉ thu về 690 triệu USD, giảm 40,7%; tôm đạt 1,22 tỷ USD, giảm 34,4% so với cùng kỳ năm 2022...

Trước khó khăn bủa vây, ngày 14/6/2023, VASEP đã có Công văn số 59/CV-VASEP tổng hợp báo cáo và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn có liên quan cho ngành thủy sản trong giai đoạn hiện nay.

Thứ nhất, liên quan đến vấn đề hạ lãi suất cho vay, VASEP kiến nghị cần điều chỉnh lãi suất vay USD xuống dưới 4% và lãi suất vay VNĐ xuống dưới 7% để hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng thời cho các doanh nghiệp thủy sản được giãn nợ 4 - 6 tháng đối với các khoản vay đến hạn phải trả trong quý II - III năm nay và tiếp tục được vay theo hạn mức trong bối cảnh giảm xuất khẩu của 6 tháng đầu năm để các doanh nghiệp có thể thu gom ổn định nguồn nguyên liệu của nông - ngư dân và chế biến, trữ hàng chuẩn bị cho xuất khẩu ở các quý tiếp theo trong năm nay.

VASEP đề xuất loạt giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp thủy sản - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thứ hai, Hiệp hội kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục quan tâm và xem xét có gói kích cầu 10.000 tỷ đồng cho thủy sản nuôi ở Đồng Bằng Sông Cửu Long. Gói kích cầu dành cho các doanh nghiệp  xuất khẩu thực sự mua dự trữ nguyên liệu từ nay để xuất khẩu sau 3 - 6 tháng nữa trong năm 2023 và quý 1/2024.

VASEP cho biết, gói kích cầu nhằm ứng phó với tình trạng đơn hàng xuất khẩu không có trong giai đoạn hiện nay. Thực hiện kích cầu sớm sẽ khiến người nuôi thủy sản có tâm lý yên tâm tiếp tục thả nuôi thay vì treo ao trong giai đoạn hiện nay.

Thứ ba, liên quan chính sách thuế, các giải pháp liên quan khác để giảm chi phí, hỗ trợ sản xuất kinh doanh và xuất - nhập khẩu, duy trì chuỗi cung ứng, việc làm.

Trong đó, kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; kéo dài các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và miễn, giảm các loại phí, lệ phí cho đến hết 2023.

Cần có các giải pháp hỗ trợ liên quan chính sách về các khoản đóng góp bắt buộc của doanh nghiệp đối với người lao động, cụ thể: giảm mức đóng vào quỹ Bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp đến hết 2023; nghiên cứu sửa đổi, đề xuất giảm mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống còn 0,5%; tạm dừng đóng Bảo hiểm thất nghiệp lao động và bệnh nghề nghiệp đến hết năm 2023; giảm mức đóng kinh phí công đoàn từ 2% xuống tối đa 1% quỹ lương làm căn cứ đóng Bảo hiểm xã hội; cho các doanh nghiệp giãn nộp Bảo hiểm xã hội từ 3 - 6 tháng trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Bên cạnh đó, Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% để hỗ trợ ngành nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi Việt Nam.

Theo VASEP, các doanh nghiệp thủy sản chủ yếu sản xuất hàng xuất khẩu nên thường vay USD. Từ quý III/2022, nhiều ngân hàng đã thông báo và áp dụng ngay sau đó việc tăng lãi suất vay USD từ 2,1 - 2,8%/năm lên mức 3 - 3,3%/năm và thậm chí đến 4,5%/năm và hiện tại thì đa phần đang ở mức cao 4,1-4,9%/năm; có những doanh nghiệp nhận lãi suất cao hơn 5%/năm trong bối cảnh sụt giảm của sản xuất - xuất khẩu thủy sản.

Ngoài lãi suất đã cao, doanh nghiệp thuỷ sản còn đang chịu thêm các khoản phí khác như phí chuyển tiền từ nước ngoài về (0,05%), phí thanh toán L/C (0,1%), phí ký hậu Bill (10 USD), phí xử lý chứng từ (10 USD), phí chấp nhận L/C trả chậm (50 USD),…

Cùng với đó, các doanh nghiệp sản xuất là đối tượng cần được hỗ trợ về vốn để đầu tư, phát triển nhưng còn chịu thêm việc áp trần chi phí lãi vay để tính thuế thu nhập gây ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, cũng như dòng tiền của doanh nghiệp trong các năm đầu khi mới đầu tư.

Việc hạn chế cho vay dưới mức tín dụng được cấp, các khoản vay mới chỉ được giải ngân tương ứng với khoản vay cũ khi phải trả nợ trước đó cũng là vấn đề đáng quan ngại. Từ bối cảnh khó khăn trên đã gây ra áp lực và căng thẳng với các doanh nghiệp thuỷ sản.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn