VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản có thể đạt 9,3 tỷ USD trong năm 2023
Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thị trường đang có dấu hiệu tốt dần lên. Do vậy, nếu không có biến động khác, và nguồn nguyên liệu không bị sụt giảm mạnh thì có thể xuất khẩu thủy sản năm 2023 sẽ mang về doanh số khoảng 9,2 - 9,3 tỷ USD.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 9/2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt hơn 814 triệu USD, chỉ giảm 5,01% so với cùng kỳ năm 2022, cũng được đánh giá là mức giảm thấp nhất kể từ tháng 3 năm nay. Xuất khẩu thủy sản dịp cuối năm có dấu hiệu phục hồi trở lại.
Đáng chú ý, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong tháng 9 khi nhận tăng gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 150 triệu USD (thủng). Đây là tháng thứ 2 liên tiếp, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này ghi nhận tăng trưởng dương. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Hoa Kỳ tăng lên vào dịp cuối năm, đặc biệt với tôm và cá tra.
"Với thị trường Mỹ, chúng ta xuất khẩu rất lớn, cá tra, tôm, các sản phẩm thủy sản. Họ đã công nhận ngành cá tra của chúng ta tương đương với của họ, về trình độ sản xuất và chế biến", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết.
Ngoài ra, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang các thị trường như Trung Quốc ghi nhận mức giảm chậm lại. Còn Hàn Quốc và Nhật Bản có mức giảm thấp nhất trong những tháng gần đây. Trong đó, xuất khẩu tôm và cá ngừ trong tháng 9 đều đạt mức tương đương với tháng 9/2022. Còn cá tra ghi nhận mức tăng trưởng dương 9% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu thủy sản được dự đoán sẽ tiếp tục có những tín hiệu tích cực.
Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thị trường đang có dấu hiệu tốt dần lên. Do vậy, nếu không có biến động khác, và nguồn nguyên liệu không bị sụt giảm mạnh thì có thể xuất khẩu thủy sản năm 2023 sẽ mang về doanh số khoảng 9,2 - 9,3 tỷ USD. Nhưng con số này thấp hơn nhiều so với kim ngạch xuất khẩu thủy sản 11 tỷ USD của năm 2022.
Theo đánh giá của tổ chức xếp hạng tín dụng FiinRatings, những khó khăn trong năm 2023 một phần đến từ những vướng mắc đã có từ năm 2022 như biên lợi nhuận thấp, khó hút vốn, chi phí sản xuất tăng cao...
Để tháo gỡ các khó khăn nhằm phục hồi xuất khẩu cho ngành thủy sản, các doanh nghiệp cần tập trung vào việc đa dạng hóa nguồn tài chính, tìm các nguồn vốn dài hạn để tập trung nghiên cứu phát triển, đầu tư vào công nghệ tiên tiến để cải thiện hiệu quả sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó gia tăng giá trị xuất khẩu và giảm được áp lực giá bán.
Từ phía cơ quan quản lý, việc tăng tốc thực thi các biện pháp cụ thể để hỗ trợ sự phát triển bền vững của ngành sản xuất thủy sản là cực kỳ quan trọng. Điều này bao gồm việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho khâu cấp vốn, tối ưu hóa chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng và phát triển hạ tầng giao thông vận tải. Đồng thời, tích cực thúc đẩy xúc tiến thương mại, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, phát triển, cải thiện hiệu suất và tuân thủ các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường cũng là các biện pháp hỗ trợ đáng kể cho xuất khẩu thủy sản trong tương lai.
Huyền My (t/h)Việt Nam nằm trong top 30 nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới với vị trí 23. Năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 354 tỷ USD hàng hóa, chiếm tỷ trọng 1,5% toàn cầu.