VASEP: Dự báo xuất khẩu tôm tăng trưởng dương trong quý II

Đầu tư và Tiếp thị
06:22 PM 15/04/2021

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), các doanh nghiệp xuất khẩu tôm hoàn toàn có thể tin rằng, xuất khẩu tôm Việt Nam trong thời gian tới sẽ tăng trưởng dương trở lại.

Theo số liệu báo cáo của VASEP, hai tháng đầu năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu tôm đạt 376 triệu USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khối thị trường CPTPP vẫn dẫn đầu, chiếm 34,3% tổng xuất khẩu tôm. Tính đến hết tháng 2, tổng giá trị xuất khẩu tôm sang khối thị trường này đạt 128,8 triệu USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước.

VASEP: Dự báo xuất khẩu tôm tăng trưởng dương trong quý II - Ảnh 1.

Theo VASEP xuất khẩu tôm Việt Nam trong thời gian tới sẽ tăng trưởng dương trở lại

Tại thị trường Nhật Bản, mặc dù xuất khẩu tôm giảm 7,1% nhưng xuất khẩu sang Australia tăng mạnh tới gần 51%. Nguyên nhân là do năm 2020 ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nhập khẩu tôm của Nhật Bản giảm mạnh, đặc biệt là sản phẩm tôm sú. Giá trị nhập khẩu tôm của Nhật Bản từ 3 nguồn cung lớn nhất là: Thái Lan, Việt Nam và Indonesia theo đó cũng giảm hoặc chững lại. Điều này cũng tác động một phần không nhỏ lên nhập khẩu tôm trong 3 tháng đầu năm nay.

Tại thị trường Mỹ và EU, 2 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 73 triệu USD, giảm 1,4% và sang EU đạt 52,3 triệu USD, giảm 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Đầu năm nay, giá tôm toàn cầu giảm cũng tác động khiến giá trị xuất khẩu sang Mỹ và EU giảm.

Theo đánh giá của nhiều nhà nhập khẩu tôm lớn, thời gian gần đây nhu cầu sản phẩm tôm chế biến ở các nhà hàng Mỹ đã bắt đầu tăng trở lại, do đó nhiều nhà xuất khẩu tôm chế biến Ấn Độ và Indonesia đã bắt đầu tranh thủ thời cơ đẩy mạnh sản phẩm này sang Mỹ. Tôm đông lạnh Việt Nam cũng đang cạnh tranh tốt tại thị trường này. Tuy nhiên, sau khi ngành dịch vụ hồi sinh trở lại ở Mỹ và EU, dự báo kênh tiêu thụ bán lẻ sẽ giảm, có thể trong thời gian tới nguồn cung nhiều mặt hàng tôm tại Mỹ, EU hay Anh sẽ thiếu hụt và tác động lên giá nhập khẩu tôm sẽ tăng lên.

VASEP nhận định hai tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam sang nhiều thị trường lớn giảm so với cùng kỳ năm ngoái. "Tuy nhiên, khi phân tích nhu cầu và tình hình kinh tế của các thị trường lớn đang phục hồi, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm hoàn toàn có thể tin rằng, xuất khẩu tôm Việt Nam trong thời gian tới sẽ tăng trưởng dương trở lại", người đại diện của VASEP cho biết.

Bên cạnh đó, các chuyên gia ngành thủy sản cho rằng, năm 2021 với việc Việt Nam kiểm soát tốt được dịch COVID-19 và tham gia các hiệp định thương mại song phương với các nước sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu, trong khi nhu cầu tôm trên thế giới tiếp tục tăng. Theo dự báo của VASEP, xuất khẩu tôm có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 4 đến 4,4 tỷ USD vào năm 2021. Quy mô thị trường tôm toàn cầu có thể tăng lên 64,53 tỷ USD vào năm 2026 (năm 2020 là 48,7 tỷ USD), tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 4,8% trong giai đoạn 2021 - 2026.

Những dự báo này là hoàn toàn có cơ sở, tuy nhiên, để có thể tiếp tục tăng trưởng xuất khẩu tốt, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm cần thiết phải tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm. Bởi sản phẩm không chỉ muốn là bán được mà còn phải cạnh tranh với các quốc gia khác khi họ cũng có khả năng phát triển rất nhanh như Ấn Độ, Indonesia,… Hiện khó có thể giảm giá thành, nên để cạnh tranh, chỉ còn cách tạo sự khác biệt về mặt chất lượng để thuyết phục khách hàng chấp nhận mua sản phẩm của Việt Nam với mức giá cao hơn.

Huyền My (Tổng hợp)
Ý kiến của bạn
Tăng trưởng GRDP vùng Trung du và miền núi phía Bắc đạt 9,1% Tăng trưởng GRDP vùng Trung du và miền núi phía Bắc đạt 9,1%

Tại Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi Bắc bộ lần thứ 4, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho biết, tăng trưởng GRDP của Vùng năm 2024 ước đạt 9,11%, cao hơn bình quân chung cả nước (ước đạt 6,8%-7%) và là vùng cao nhất cả nước.