VASEP kiến nghị bỏ hạn ngạch đối với tôm xuất khẩu vào Hàn Quốc
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) vừa gửi công văn đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành kiến nghị xem xét bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc, nhằm củng cố, gia tăng năng lực cạnh tranh ngành hàng.
Tôm là mặt hàng xuất khẩu mang lại giá trị cao nhất của ngành thủy sản, nhưng vướng mắc lớn nhất với tôm khi xuất sang Hàn Quốc là câu chuyện hạn ngạch.
Theo VASEP, năm 2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 343 triệu USD, giảm 27% so với năm 2022. Lạm phát cao, tiền mất giá, lãi suất tăng, người dân chi tiêu tiết kiệm, tồn kho nhiều là những nguyên nhân khiến xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này giảm trong năm 2023.
Bên cạnh đó, một rào cản lớn khiến tôm Việt Nam khó cạnh tranh tại Hàn Quốc là do vướng phải vấn đề hạn ngạch nhập khẩu tôm vào Hàn Quốc theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA).
Cụ thể, Hàn Quốc chỉ miễn thuế nhập khẩu tôm Việt Nam trong hạn ngạch 15.000 tấn/năm. Trong khi đó, lượng tôm xuất khẩu của Việt Nam vào Hàn Quốc đã vượt xa hạn ngạch miễn thuế. Các nhà nhập khẩu Hàn Quốc đang phải chịu chi phí không nhỏ để có hạn ngạch nhập khẩu, lên tới 14 -16% giá trị lô hàng khiến giá thành tôm Việt Nam tại Hàn Quốc bị đội lên cao, khó cạnh tranh với tôm các quốc gia khác.
Do xuất khẩu tôm vẫn chịu hạn ngạch khi nhập vào Hàn Quốc, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đang chịu chi phí không nhỏ để có được hạn ngạch. Đó là lý do nhiều lần VASEP đã kiến nghị bỏ hạn ngạch với sản phẩm tôm xuất khẩu sang Hàn Quốc.
Trong bối cảnh xuất khẩu thuỷ sản đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, mới đây, VASEP lại tiếp tục kiến nghị Chính phủ và Bộ Công Thương xem xét bãi bỏ hạn ngạch đối với tôm Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại VKFTA tại kỳ rà soát trong năm 2024.
Để có thể "tăng tốc" xuất khẩu sản phẩm thủy sản, nhất là tôm, sang thị trường Hàn Quốc, VASEP khuyến nghị doanh nghiệp chú trọng vào chất lượng, hương vị sản phẩm; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn trong khâu chế biến, lưu thông; nắm bắt và hiểu rõ nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng…
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) được ký kết và có hiệu lực từ cuối năm 2015 là một công cụ quan trọng giúp hai nước thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, đặc biệt là thương mại và đầu tư.
FTA này có tác động tích cực tới nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, từ điện tử, hàng dệt may, giày dép cho tới thủy sản.
Nhờ VKFTA, những năm qua, xuất khẩu thủy sản sang Hàn Quốc tăng trưởng tích cực. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, trong cơ cấu sản phẩm thủy sản nước ta sang Hàn Quốc năm 2023, tôm chiếm tỷ trọng cao nhất 43,6%, tiếp đó mực, bạch tuộc chiếm 31,4%.
Cá các loại khác (trừ cá tra, cá ngừ) đứng thứ ba về kim ngạch sang Hàn Quốc, chiếm 20,8%. Còn lại các mặt hàng chiếm tỷ trọng nhỏ lần lượt là cá ngừ, cá tra, cua ghẹ và giáp xác khác, nhuyễn thể hai mảnh vỏ và nhuyễn thể khác (chiếm từ 0,3% đến 2,2%).
Còn tính trong giai đoạn từ 2015 - 2023, sau khi Hiệp định VKFTA có hiệu lực, thủy sản xuất khẩu sang Hàn Quốc đều ghi nhận tăng trưởng cao, trong đó, tôm tăng 37%, mực & bạch tuộc tăng 51%, cá loại khác (trừ cá ngừ, cá tra) tăng 4%.
Khi cái lạnh mùa đông tràn về, không ít du khách chọn cách “chạy trốn” rét buốt để tìm đến những miền đất ấm áp, rực rỡ ánh đèn lễ hội.