VASEP: Xuất khẩu cá ngừ khó cán mốc "tỷ đô"
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, khả năng năm nay, xuất khẩu cá ngừ khó cán mốc “tỷ đô” như năm 2022.
Theo VASEP, trong khi nhiều dự báo cho thấy thị trường cá ngừ toàn cầu sẽ phục hồi, ngành cá ngừ Việt Nam lại tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức có thể kìm hãm sự tăng trưởng xuất khẩu trong thời gian tới.
VASEP dẫn số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, sản lượng khai thác biển trong 3 tháng đầu năm 2024 ước đạt 833,6 nghìn tấn, giảm nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm 2023. Tính riêng cá ngừ, sản lượng khai thác 3 tháng đầu năm 2024 tại 3 tỉnh trọng điểm về khai thác cá ngừ ước đạt 5.392 tấn, giảm nhẹ 0,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: tại Phú Yên ước đạt 1.008 tấn, ước giảm 12% so cùng kỳ; tại Bình Định ước đạt 3.916 tấn, tăng 4%; tại Khánh Hòa ước đạt 368 tấn, giảm 12%.
Ngoài ra, những vướng mắc liên quan đến thủy sản khai thác và quy định chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) cũng đang khiến cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp gặp khó.
Cụ thể, tình trạng thời gian cấp Giấy xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C) của các cảng cá kéo dài hàng tháng đang gây ảnh hưởng lớn tới sản xuất, kinh doanh của DN. Và yêu cầu DN nhập khẩu thủy sản không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu, một nội dung trong Nghị định 37/2024/NĐ-CP mới ban hàng ngày 4/4/2024 của Chính phủ cũng đang khiến cho DN quan ngại... Nhất là trong bối cảnh nguồn nguyên liệu trong nước giảm, doanh nghiệp cá ngừ phải gia tăng nhập khẩu cá ngừ từ bên ngoài để đáp ứng các đơn hàng.
Bên cạnh đó, xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường chính không ổn định. Tính đến hết tháng 3/2024, cá ngừ Việt Nam đã xuất được sang 86 thị trường trên thế giới. Trong đó, các thị trường chính là Mỹ, EU, khối các nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Israel, Nga, Philippines, Hàn Quốc và Thái Lan chiếm tới 90% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong tháng 3, tại thị trường Mỹ, xuất khẩu cá ngừ đã tăng trở lại với mức tăng 16%, đạt hơn 32 triệu USD. Các đơn hàng sang châu Âu (EU) cũng tăng 30%, đạt 19 triệu USD. Xuất khẩu cá ngừ sang Italy và Đức, hai thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam trong khối này, tiếp tục tăng trưởng tốt.
Sau một thời gian bất ổn, xuất khẩu sang thị trường Nga phục hồi mạnh mẽ từ cuối năm 2023. Riêng tháng 3/2024, xuất khẩu cá ngừ sang Nga tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023. Luỹ kế 3 tháng đầu năm, xuất khẩu sang thị trường này tăng 65%, đạt gần 9 triệu USD. Con số này đã đưa Nga trở thành thị trường xuất khẩu cá ngừ đơn lẻ lớn thứ 4 trong quý I.
Tuy nhiên, nhiều thị trường trong khối EU như Hà Lan, Tây Ban Nha, Lithuania… lại đang giảm nhập khẩu từ Việt Nam. Xuất khẩu cá ngừ sang nhiều thị trường chính khác trong tháng 3 cũng không khả quan, như Nhật Bản giảm 18%, Mexico giảm 38%, Chile giảm 34% và Thái Lan giảm 78%. Chính vì thế, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong tháng 3 chưa được cao.
Không chỉ vậy, cộng đồng doanh nghiệp vẫn quan ngại việc Nghị định 3737/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 26/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thủy sản 2017 yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu. Mối lo càng lớn hơn trong bối cảnh, nguồn nguyên liệu trong nước giảm, doanh nghiệp cá ngừ phải gia tăng nhập khẩu cá ngừ từ bên ngoài để đáp ứng các đơn hàng...
Với những khó khăn trên, VASEP dự kiến năm 2024 xuất khẩu cá ngừ sẽ phục hồi chậm và khó cán mốc “tỷ đô” như năm 2022.
Minh An (t/h)Sáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.