VASEP: Xuất khẩu thủy sản dự báo thu về 2,1 tỉ USD trong quý II/2021
Bất chấp dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản bật tăng mạnh mẽ, ước đạt 2,39 tỷ USD, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp đà tăng trưởng và đạt kim ngạch khoảng 2,1 tỉ USD trong quý II/2021.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 17,15 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu thủy sản ước đạt 2,39 tỷ USD, tăng 6,1%. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, nhờ tăng trưởng gần 17% trong tháng 3/2021 với trên 735 triệu USD, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước trong quý I/2021 đạt 1,7 tỷ USD, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo, xuất khẩu thủy sản trong quý II sẽ tiếp đà tăng trưởng 10% và đạt khoảng 2,1 tỷ USD. Trong đó, mặt hàng tôm được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan 10%, đạt 980 triệu USD. Xuất khẩu hải sản quý II ước đạt 816 triệu USD, tăng 9,6%, trong đó, xuất khẩu cá ngừ tăng 9%, cá khác tăng 11%, mực bạch tuộc tăng 8% và nhuyễn thể hai mảnh vỏ tăng 9%.
Đáng chú ý, 4 tháng đầu năm 2021 nhiều thị trường xuất khẩu lớn cũng đã bắt đầu hồi phục trở lại. Các mặt hàng cá tra và tôm có sự gia tăng mạnh về kim ngạch xuất khẩu. VASEP cho hay, quý I/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 344,2 triệu USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Mỹ, Trung Quốc, Brazil, Mexico, Thái Lan, Colombia, Nga và UAE đều tăng.
Đối với thị trường Mỹ, tính hết quý I/2021, giá trị xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang thị trường này đạt 71,6 triệu USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn tại thị trường Nga, xuất khẩu cá tra quý I đã tăng trưởng đến ba con số so với cùng kỳ năm trước lên tới 126,3%, đạt 10 triệu USD. Ước tính trong 4 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đã tăng 16%; Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 10,3%; Brazil tăng 17%; Colombia tăng 33,4%; Mexico tăng 22,7%; Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tăng 35% và Nga có mức tăng trưởng mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2020, lên tới 104%.
Đối với mặt hàng tôm, xuất khẩu mặt hàng này trong quý I/2021 đạt 661 triệu USD, tăng 5%. Mức tăng trưởng nhẹ này chủ yếu nhờ tăng xuất khẩu 16,5% trong tháng 3/2021. Xuất khẩu tôm sang Mỹ, EU, Australia, Anh, Nga tăng mạnh trong tháng 3 với mức tăng lần lượt là 49%; 27%; 37%; 31% và 97% khiến bức tranh xuất khẩu tôm quý I/2021 chuyển sang gam sáng. Mỹ vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng xuất khẩu tôm của Việt Nam với trên 20% trong quý I này và đạt 134,6 triệu USD. Tiếp đến là Nhật Bản với 126 triệu USD, chiếm 19%. Mức tiêu thụ tôm ở Nga tăng mạnh khiến nhập khẩu tôm từ Việt Nam tăng 102% trong quý I, đạt 11,2 triệu USD.
Tuy nhiên, thời gian tới diễn biến xuất khẩu tôm và cá tra sẽ phụ thuộc chủ yếu vào biến động thị trường. Đối với mặt hàng tôm sẽ nhiều tín hiệu tốt hơn vì nhu cầu tôm cho phân khúc bán kẻ tại các thị trường lớn như Mỹ, EU tiếp tục đà gia tăng. Việc triển khai tiêm vaccine diện rộng ở những thị trường này giúp người dân dần yên tâm, quay lại với các hoạt động du lịch, giải trí và các hoạt động công cộng, do vậy, nhu cầu sẽ hồi phục cả ở lĩnh vực nhà hàng, khách sạn và dịch vụ.
Đối với mặt hàng cá tra, VASEP cho rằng, bức tranh xuất khẩu trong thời gian tới có sắc thái tươi sáng hay không chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Mỹ và Trung Quốc. Bởi lẽ, với mức tăng trưởng âm 30% trong quý I/2020, xuất khẩu cá tra sang thị trường EU sẽ không thể trỗi dậy ngay trong quý II, khi những tín hiệu hồi phục nhu cầu của ngành dịch vụ thực phẩm chưa rõ ràng.
Huyền Thương (T/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.