VATM: Luôn hướng tới mục tiêu điều hành bay an toàn
Trong chặng đường gần 30 xây dựng và phát triển, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đã bảo đảm điều hành bay an toàn cho hơn chục triệu chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm. Dù trong bối cảnh cực kỳ khó khăn của ngành hàng không do ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch COVID-19 nhưng các kết quả sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty vẫn vượt so với kế hoạch đề ra.
- Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (VIMC) đặt kế hoạch "đi lùi" trong năm 2022, trình phương án phát hành tăng vốn điều lệ vượt 13.000 tỷ đồng
- Giá dầu leo thang giúp Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) vượt kế hoạch cả năm 2022 chỉ sau 1 quý
- Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1) đăng ký bán toàn bộ hơn 5 triệu cổ phần tại Chương Dương Corp (CDC)
Tháng 12/1994, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) chính thức giao lại cho Việt Nam và VATM quyền điều hành phần phía Nam Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh).
Ngày 08/12/1994 đã trở thành mốc son trong lịch sử phát triển của ngành Hàng không dân dụng nói chung và ngành Quản lý bay nói riêng trên các phương diện chính trị, kinh tế, kỹ thuật, quốc phòng an ninh. Từ thắng lợi to lớn đó đã mở ra cánh cửa hội nhập quốc tế về quản lý không lưu, cung cấp kịp thời, đầy đủ các dịch vụ điều hành bay, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các hoạt động bay đi, đến và bay quá cảnh trong vùng trời trách nhiệm được giao.
Kể từ ngày tiếp nhận lại FIR Hồ Chí Minh, VATM đã đảm bảo an toàn cho các hoạt động bay trong vùng trời trách nhiệm có quy mô cung cấp dịch vụ trên diện tích rộng trên 1,2 triệu km2, phạm vi hoạt động trải rộng tại 30 tỉnh, thành phố của cả nước, trực tiếp cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trên 35 đường bay trong nước và 36 đường bay quốc tế, trong đó có 2 đường bay nằm trong số 10 đường bay có mật độ bay cao nhất thế giới, giữ vị trí quan trọng đối với hoạt động bay trên khu vực biển Đông.
Hơn 29 năm qua, hơn chục triệu chuyến bay đi và đến hoặc bay qua vùng trời Việt Nam được VATM điều hành an toàn tuyệt đối. Tổng thu điều hành bay đạt hơn 60 nghìn tỷ đồng, nộp NSNN đạt trên 31 nghìn tỷ đồng. VATM luôn là một trong các đơn vị dẫn đầu ngành Hàng không về năng suất, chất lượng và hiệu quả, bảo đảm giữ vững an ninh an toàn vùng trời và chủ quyền Quốc gia.
Đạt được những thành tựu này, nhiều năm qua, VATM luôn quan tâm đầu tư, nâng cấp trang thiết bị hiện đại tại các cơ sở điều hành bay của Tổng Công ty. Các hệ thống thông tin liên lạc, dẫn đường, giám sát được đầu tư mới với công nghệ tiên tiến, hiện đại. Song song với việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, Tổng Công ty đã triển khai đồng bộ, hàng loạt các giải pháp như tổ chức phân chia lại vùng trời, mở thêm đường bay thẳng, đường bay song song trục Bắc - Nam, áp dụng các phương thức điều hành bay mới dựa trên công nghệ tiên tiến nhằm tăng năng lực điều hành bay, tăng khả năng thông qua vùng trời, đặc biệt góp phần giảm tình trạng ách tắc tại các sân bay lớn có mật độ bay cao.
Bước sang năm thứ 30 trong chặng đường xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ, đảng viên, người lao động của Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam đã làm nên những thành tích rất đáng tự hào, nhiều tập thể và cá nhân tiêu biểu đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý như: Danh hiệu "Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới" cho tập thể VATM và cá nhân đồng chí Trần Xuân Mùi nguyên Tổng Giám đốc Trung tâm QLBDDVN; Huân chương Độc lập hạng Ba cho tập thể VATM; giải thưởng "Đại bàng" của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế dành cho Nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay có bước tiến vượt bậc cùng với 17 Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; 23 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 15 Cờ thi đua của Chính phủ; 123 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GTVT cho các tập thể, cá nhân thuộc Tổng Công ty; 19 Cờ thi đua xuất sắc của Bộ GTVT.
Năm 2022, dự báo đại dịch COVID-19 còn nhiều bất ổn và khó lường, ngành Hàng không thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng và chưa có dấu hiệu phục hồi hoàn toàn. Trước bối cảnh này, VATM xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm quyết liệt triển khai các giải pháp cụ thể để hoàn thành tốt kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022, hoàn thành mục tiêu xuyên suốt, nhiệm vụ trọng tâm là đảm bảo điều hành bay an toàn, điều hòa, hiệu quả cho 100% chuyến bay trong vùng trách nhiệm; hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan quốc phòng giữ vững an ninh vùng trời Tổ quốc.
Cùng với đó, VATM tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt triển khai, thực hiện tốt công tác đầu tư các công trình trọng điểm, trong đó chú trọng các dự án: Dự án thành phần 2 "Các công trình phục vụ quản lý bay" Cảng HKQT Long Thành - Giai đoạn 1; Trung tâm Kiểm soát không lưu Hồ Chí Minh; các Trạm radar sơ cấp, thứ cấp Nội Bài, Cam Ranh; nâng cấp, thay thế các thiết bị của AACC/HCM; các dự án tại Cảng hàng không Điện Biên…; trang bị các hệ thống, thiết bị tiên tiến, hiện đại phục vụ điều hành bay an toàn, đảm bảo an ninh, an toàn hàng không.
Trong chặng đường phía trước còn rất nhiều khó khăn, thách thức, hoạt động hàng không đang đà tăng trưởng phục hồi nhanh chóng, đây sẽ là cơ hội đồng thời cũng tạo ra những áp lực cho VATM trong công tác cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay.
Mục tiêu mà VATM đang phấn đấu, đến năm 2030, phát triển trở thành một trong những nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay hàng đầu khu vực Đông Nam Á trên cả hai tiêu chí năng lực điều hành bay và chất lượng cung cấp các dịch vụ, có hệ thống quản lý an toàn tin cậy, áp dụng công nghệ hiện đại và các giải pháp quản lý không lưu tiên tiến đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Hàng không trong nước và thế giới.
PVCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.