VCBS dự báo thanh khoản liên ngân hàng tháng 6/2024 ở mức thấp

Ngân hàng
10:08 AM 12/06/2024

VCBS cho rằng, thanh khoản liên ngân hàng tháng 6/2024 có thể ở mức thấp hơn so với tháng 5.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) vừa cập nhật triển vọng thị trường trái phiếu, tiền tệ tháng 6/2024. Theo đó, đến cuối tháng 5/20242024, tăng trưởng tín dụng vẫn tương đối chậm, chỉ đạt 2,45% so với cuối năm 2023 (theo Tổng cục Thống kê) nên thanh khoản hệ thống tương đối ổn định, đưa lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn ngắn hạ nhiệt.

VCBS dự báo thanh khoản liên ngân hàng tháng 6/2024 ở mức thấp - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Đến 31/5, lãi suất liên ngân hàng VND các kỳ hạn từ qua đêm đến 3 tháng lần lượt ở 2,725%, 3,475%, 4,2%, 4,7% và 5,15%/năm.

VCBS cho rằng thanh khoản liên ngân hàng tháng 6/2024 có thể ở mức thấp hơn so với tháng 5 vì ba lý do sau.

Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng tới cuối tháng 6 được kỳ vọng có thể đạt khoảng 5%, theo định hướng của Chính phủ, nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Thứ hai, không loại trừ khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục bán USD giao ngay nhằm ổn định tỷ giá, theo đó, một lượng VND có thể được rút ra khỏi hệ thống.

Thứ ba, nhằm đảm bảo mục tiêu bình ổn thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã bán vàng cho 4 ngân hàng thương mại Nhà nước để các ngân hàng này bán vàng trực tiếp cho người dân. Theo đó, điều này có thể khiến lãi suất liên ngân hàng tăng cao khi các ngân hàng thương mại cần thêm thanh khoản để chuẩn bị nguồn lực.

Tháng 5 không ghi nhận áp lực tỷ giá tăng nhanh và mạnh như trước đó, tuy nhiên VCBS đánh giá áp lực tỷ giá thường trực trước chênh lệch lãi suất giữa VND và USD vẫn ở mức cao. Theo đó, công cụ "Mua kỳ hạn" và "Tín phiếu" sẽ tiếp tục được linh hoạt sử dụng nhằm định hướng lãi suất liên ngân hàng, giảm áp lực tỷ giá, và đồng thời vẫn đảm bảo thanh khoản hệ thống ngân hàng.

Báo cáo VCBS cũng đề cập đến ba động lực chính cho sự tăng trưởng lợi nhuận của hệ thống ngân hàng trong thời gian tới, bao gồm: tối ưu chi phí vốn, gia tăng thu nhập ngoài lãi và tối ưu chi phí hoạt động.

Về động lực tối ưu chi phí vốn, VCBS cho rằng, trong bối cảnh lãi suất huy động đang chịu nhiều áp lực tăng, các ngân hàng tư nhân có lợi thế về tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và linh động trong hoạt động huy động vốn sẽ có nhiều tiềm năng tối ưu hóa chi phí vốn. Các ngân hàng này thường không phụ thuộc quá nhiều vào tiền gửi khách hàng, do đó có thể giảm chi phí vốn và cải thiện lợi nhuận.

Yếu tố gia tăng thu nhập ngoài lãi là các nguồn thu nhập từ phí, bao gồm phí trả trước từ hợp đồng bán chéo bảo hiểm (bancassurance), lợi nhuận từ việc bán các công ty con và thu hồi nợ xấu đã xóa, được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng vào thu nhập ngoài lãi. Những khoản thu nhập bất thường này có thể giúp một số ngân hàng ghi nhận lợi nhuận cao hơn.

Về tối ưu chi phí hoạt động, VCBS nhận định rằng, các ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường hiệu quả quản trị và tiết giảm chi phí hoạt động để duy trì lợi nhuận. Dù chi phí đầu tư cho công nghệ đang tăng mạnh, điều này giúp các ngân hàng tăng khả năng cạnh tranh và đáp ứng các quy định mới về an ninh và an toàn trong thanh toán.

Các chuyên viên phân tích của VCBS dự báo lợi nhuận ngân hàng sẽ tăng trưởng khoảng 10% trong năm 2024, tuy nhiên triển vọng sẽ có sự phân hóa giữa các ngân hàng.

Nhìn chung, ngành ngân hàng được kỳ vọng sẽ nâng đỡ thị trường, giải ngân tín dụng. Tuy nhiên, với những khó khăn hiện tại, ngành ngân hàng cần có những giải pháp quyết liệt hơn, tận dụng tốt hơn nền tảng tài chính, xây dựng hình ảnh thương hiệu, bồi đắp thêm niềm tin khách hàng, vươn mình khẳng định vị thế, uy tín trên thị trường.

An Mai (t/h)
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.