VCCI: Cần làm rõ tiêu chí doanh nghiệp là thành viên tại Trung tâm tài chính
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý Dự thảo đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam.
VCCI cho rằng, dự thảo quy định đối tượng được đăng ký thành viên Trung tâm tài chính là các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, sàn giao dịch chứng khoán, vàng, ngoại tệ, quỹ đầu tư tài chính, quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm… Đây là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tài chính.
Tuy nhiên, dự thảo chưa đề cập đến các khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính lớn như các tập đoàn, các công ty mẹ, công ty holding (một công ty làm chủ cổ phần của các công ty khác). Điều này dẫn đến câu hỏi, các doanh nghiệp phi tài chính có được phép đăng ký thành viên của trung tâm tài chính hay không?
Trước đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã đề nghị một số hình thức tổ chức, công ty tài chính được phép đăng ký thành lập và hoạt động tại trung tâm tài chính. Cụ thể, đó là những tổ chức, công ty bao gồm tổ chức tín dụng, công ty tài chính, sàn giao dịch chứng khoán, vàng, ngoại tệ, quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm được đề nghị cho phép đăng ký thành lập và hoạt động tại trung tâm tài chính.
Lý giải về đề xuất chính sách này, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, việc hình thành hệ thống đăng ký doanh nghiệp, đăng ký thành viên là giải pháp phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam, đảm bảo sự quản lý xuyên suốt về đối tượng áp dụng các chính sách trong trung tâm tài chính, đảm bảo hiệu quả quản lý hoạt động trung tâm tài chính.
Bên cạnh đó, chính sách này không bị hạn chế bởi các quy định về đăng ký doanh nghiệp tại Luật doanh nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Về chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sandbox), VCCI cho rằng mục 2.2.3 của dự thảo về chính sách thử nghiệm có kiểm soát đối với fintech đang được thiết kế theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết về các biện pháp quản lý tài sản mã hoá, tiền mã hoá, token tiện ích… Quy định như vậy sẽ dẫn đến nguy cơ Chính phủ gặp khó trong việc ban hành văn bản hướng dẫn do không thể quy phạm hoá các vấn đề quá mới và còn đang biến đổi rất nhanh.
Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo thay đổi cách tiếp cận, cho phép doanh nghiệp đề xuất giải pháp để đáp ứng các mục tiêu quản lý của nhà nước.
Cụ thể, theo VCCI, nhà nước cần đặt ra các mục tiêu như bảo vệ quyền sở hữu, phòng chống lừa đảo, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, phòng chống rửa tiền, an ninh năng lượng và môi trường… Các doanh nghiệp fintech khi xin phép sẽ trình bày mô hình kinh doanh của mình và thuyết minh các giải pháp để đạt được các mục tiêu trên.
Trên cơ sở đó, cơ quan nhà nước tiến hành xem xét, đánh giá, thẩm định các giải pháp và cấp phép cho hoạt động fintech đó. Doanh nghiệp phải thực hiện đúng các giải pháp đã cam kết và phải báo cáo cũng như chịu sự kiểm tra giám sát thường xuyên của cơ quan nhà nước. Sau một thời gian, khi giải pháp của doanh nghiệp được chứng minh là hiệu quả thì nhà nước mới tiến hành xây dựng thành quy phạm quản lý.
Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đề xuất chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính, với thẩm quyền cấp phép, quản lý, đánh giá tác động thuộc về ủy ban quản lý và điều hành trung tâm tài chính.
Để ngăn ngừa những tác động tiêu cực có thể có từ công nghệ tài chính, tờ trình đề xuất Chính phủ đưa ra quy định chi tiết về phòng, chống rửa tiền, kiểm tra, chứng nhận mức độ bảo mật, an ninh đối với tiền mã hóa và tài sản mã hóa, cách thức quản lý, xử lý đối với hoạt động liên quan đến NFT và token tiện ích, cùng với biện pháp quản lý “đào” tài sản mã hóa để hạn chế rủi ro an ninh năng lượng và môi trường.
Minh An (t/h)Khởi đầu năm 2025, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long sẽ tiếp đón gần 16.000 khách quốc tế đến tham quan Quảng Ninh trong tháng 1 với 11 chuyến tàu biển đến từ các thương hiệu cao cấp. Đây là những tín hiệu lạc quan cho thấy đóng góp quan trọng của du lịch tàu biển trong cơ cấu phát triển ngành du lịch Quảng Ninh.