VCCI đề xuất bỏ cấp giấy phép đầu tư ra nước ngoài

Chính sách
10:54 AM 10/06/2025

Trong văn bản sửa đổi góp ý Luật Đầu tư, VCCI đề xuất nhà điều hành cân nhắc bỏ thủ tục chấp thuận chủ trương và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

Góp ý về việc sửa Luật Đầu tư, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá việc doanh nghiệp tư nhân trong nước đầu tư ra nước ngoài đang dần trở thành một xu hướng phổ biến trong bối cảnh doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tham gia chủ động hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Đây cũng là cách thức quan trọng để doanh nghiệp nhập khẩu công nghệ, phát triển thị trường, tìm kiếm khách hàng. 

Do đó, VCCI đề xuất nhà điều hành cân nhắc bỏ thủ tục chấp thuận chủ trương và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.

VCCI đề xuất bỏ cấp giấy phép đầu tư ra nước ngoài- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Internet

Theo Luật Đầu tư, hoạt động đầu tư ra nước ngoài đang được kiểm soát theo hướng cơ quan quản lý sẽ xác định các ngành nghề cấm đầu tư hoặc ngành nghề có điều kiện và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Các nội dung thẩm định gồm cả việc đánh giá sự cần thiết và mức độ rủi ro tại nước tiếp nhận đầu tư. Ngoài ra, nhà điều hành sẽ xem xét các tiêu chí về hình thức, quy mô, địa điểm, tiến độ và các cơ chế, chính sách thực hiện dự án.

Theo VCCI, hoạt động chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với doanh nghiệp nhà nước có thể là cần thiết, bởi vì nguồn vốn đầu tư là vốn của Nhà nước.

Tuy nhiên, kiểm soát hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các nguồn vốn tư nhân, theo hình thức cấp phép, dựa vào quy mô vốn hoặc theo nhóm ngành nghề, dường như chưa tìm thấy mục tiêu rõ ràng, hợp lý nào.

Trong khi đó, cơ chế này tạo gánh nặng lớn về thủ tục cho các nhà đầu tư bởi bất kì sự thay đổi nào cũng phải điều chỉnh giấy chứng nhận. Việc này cũng chưa hợp lý bởi hoạt động đầu tư ra nước ngoài phải tuân thủ các quy định của nước sở tại, không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật Việt Nam.

“Việc yêu cầu cơ quan nhà nước đánh giá về hình thức, quy mô, địa điểm và tiến độ thực hiện dự án, nguồn vốn là không khả thi, cần thiết”, VCCI đánh giá.

Cũng theo VCCI, pháp luật về đầu tư ghi nhận quyền tự chủ, chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Do đó, Nhà nước đánh giá sự cần thiết và mức độ rủi ro của dự án đầu tư là can thiệp vào quyền tự quyết của doanh nghiệp.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi)

Sáng 14/6, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) với 448/454 đại biểu Quốc hội có mặt tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 93,72%).