VDCA đề xuất mức thuế 0% cho nhóm dịch vụ nội dung số
Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) vừa có văn bản góp ý Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) gửi Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và Bộ Tài chính. Trong đó, VDCA đề xuất mức thuế suất 0% cho nhóm dịch vụ nội dung số, giải trí số.
Các trường hợp nội dung số được đề xuất không áp dụng thuế suất 0% gồm: Sản phẩm nội dung thông tin số thuộc nhóm giải trí, trò chơi điện tử, phim số, ảnh số, nhạc số, quảng cáo số cung cấp trên nền tảng số mà cơ sở kinh doanh không cung cấp được hồ sơ, tài liệu chứng minh việc tiêu dùng ở ngoài Việt Nam hoặc ở trong khu phi thuế quan theo quy định của Chính phủ.
Văn bản của VDCA cho biết, dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) cho nhóm dịch vụ nội dung số là một bước quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, qua quá trình xem xét, một số nội dung trong dự thảo có những điểm cần cân nhắc, điều chỉnh bởi có thể ảnh hưởng bất lợi đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nội dung số và sản xuất phim, đặc biệt là khả năng cạnh tranh quốc tế và sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư.
Cụ thể, tại điểm a, khoản 1 điều 9 dự thảo Luật Thuế GTGT (sửa đổi) đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% đối với sản phẩm, dịch vụ trên nền tảng số mà không phân biệt trường hợp xuất khẩu hay tiêu dùng trong nước. Với dự thảo mới này, các dịch vụ nội dung số xuất khẩu sẽ không được hưởng mức thuế 0% như hiện nay nữa.
VDCA lý giải, do cơ quan thuế gặp khó khăn trong việc phân biệt doanh thu từ dịch vụ được xuất khẩu và tiêu dùng nội địa, gây bất cập trong quản lý thuế.
Việc áp dụng thuế suất 10% cho cả dịch vụ xuất khẩu sẽ dẫn đến những tác động tiêu cực đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nội dung số, đặc biệt là khả năng cạnh tranh quốc tế và sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, thuế GTGT hiện chưa phù hợp với nguyên tắc điểm đến. Với nguyên tắc điểm đến, tiêu dùng ở đâu đánh thuế ở đó, quy định thuế suất 0% nhằm nhường lại quyền đánh thuế GTGT cho quốc gia tiêu thụ dịch vụ. Đây là thông lệ quốc tế mà các quốc gia đều tuân theo. Việc áp thuế 10% làm cho dịch vụ của chúng ta bị tính chồng thuế (vừa bị nộp thuế ở Việt Nam tại khâu nhập khẩu, vừa bị nộp thuế tại quốc gia tiêu thụ dịch vụ đó).
Ngoài ra, dịch vụ cung cấp trên nền tảng số thực chất đang bị chồng thuế. Với những nhà sáng tạo nội dung không cư trú tại Mỹ, họ đã bị khấu trừ từ 24-30% thuế thu nhập cho các lượt xem từ Mỹ trước khi nhận thanh toán. Khi thu nhập về Việt Nam, các cá nhân và doanh nghiệp này tiếp tục phải chịu thêm 7-30% thuế nữa (bao gồm thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc cá nhân).
Cuối cùng, việc áp thuế suất 10% có thể làm giảm động lực phát triển ngành văn hóa. Hiện nay, Chính phủ đã ban hành chủ trương thúc đẩy nền công nghiệp văn hóa của Việt Nam, tuy nhiên, trên thực tế Việt Nam vẫn chưa hình thành được nền công nghiệp văn hóa như mục tiêu, bởi việc đầu tư cho các sản phẩm văn hóa gặp nhiều rủi ro, trong khi thực tế rất ít sản phẩm văn hóa tạo ra lợi nhuận. Việc áp thuế với sản phẩm văn hóa là rào cản lớn, giảm động lực của các doanh nghiệp tham gia vào phát triển các sản phẩm văn hóa cũng như sáng tạo ra các sản phẩm mới.
Minh An (t/h)Dự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 đạt khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu nỗ lực khắc phục được những hạn chế, năm 2025, Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này lên mức 4 tỷ USD và đạt 6 tỷ USD vào năm 2030.