VDSC: Dự báo nợ xấu của ngành ngân hàng tăng chậm lại

Ngân hàng
11:16 AM 06/11/2024

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, quy mô nợ xấu của ngành ngân hàng có thể sẽ giảm nhẹ vào cuối năm, khi các ngân hàng có vị thế về lợi nhuận trước dự phòng tốt hơn so với năm 2023, để tiếp tục hấp thụ và làm sạch bảng cân đối.

Đến thời điểm hiện tại, các ngân hàng đã hoàn tất công bố báo cáo tài chính quý III/2024, tạo nên một bức tranh toàn cảnh về lợi nhuận ngành ngân hàng. Trong báo cáo, tỷ lệ nợ xấu của các nhà băng đang được chú ý.

VDSC: Dự báo nợ xấu của ngành ngân hàng tăng chậm lại- Ảnh 1.

Nhiều ngân hàng, bao gồm cả những ngân hàng có quy mô lớn Vietcombank, Techcombank ghi nhận tình trạng nợ xấu tăng cao.

Cụ thể, theo báo cáo tài chính của Vietcombank, tính đến hết quý III/2024, tổng nợ xấu nhóm 3, 4 và 5 của Vietcombank đã tăng mạnh 35,8% so với đầu năm, vượt ngưỡng 17.100 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu cũng tăng từ dưới 1% hồi đầu năm lên 1,22%.

Tại VietinBank, tỷ lệ nợ xấu đến cuối quý III/2024 đạt 1,57%, tăng so với mức 1,13% tại thời điểm đầu năm.

Tại các ngân hàng TMCP tư nhân, nợ xấu cũng gia tăng.

Báo cáo tài chính quý III/2024 của Techcombank cho biết, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng tại thời điểm cuối tháng 9 ở mức 1,35%, tăng so với tỷ lệ 1,28% tại thời điểm cuối tháng 6. Bên cạnh đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của nhà băng này cũng tăng nhẹ, lên mức 103%.

Tại ACB, tổng nợ xấu đã tăng lên 8.274 tỷ đồng vào cuối quý III; trong đó, khoản nợ có khả năng mất vốn tăng tới 55% so với hồi đầu năm, lên 6.064 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vay của Ngân hàng theo đó tăng từ mức 1,22% hồi đầu năm lên 1,5% vào cuối tháng 9.

Tính đến cuối quý III/2024, số dư nợ xấu của PGBank là 1.175 tỷ đồng, tăng 16,6% so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,85% lên 3,19%. Cùng với đó, chi phí dự phòng rủi ro 9 tháng đầu năm của nhà băng này tăng gấp gần 3 lần (lên 300 tỷ đồng) so với cùng kỳ.

Tại LPBank, trong 9 tháng đầu năm, số dư nợ xấu của Ngân hàng đã tăng 70%, từ 3.689 tỷ đồng lên 6.272 tỷ đồng, kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ lên 1,96%.

Nhận định về tình hình nợ xấu của hệ thống ngân hàng, chuyên gia Khối Nghiên cứu của Chứng khoán MB (MBS) cho biết, mặc dù báo cáo tài chính các ngân hàng chưa công bố hết nhưng trên cơ sở thông tin đã công bố, tỷ lệ nợ xấu các ngân hàng niêm yết trong quý III/2024 không tăng nhiều so với quý liền trước.

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, quy mô nợ xấu của ngành ngân hàng có thể sẽ giảm nhẹ vào cuối năm, khi các ngân hàng có vị thế về lợi nhuận trước dự phòng tốt hơn so với năm 2023, để tiếp tục hấp thụ và làm sạch bảng cân đối.

Mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng được các tổ chức tín dụng nhận định “tăng nhẹ” trong quý III/2024 nhưng được kỳ vọng sẽ “giảm nhẹ” trong quý IV/2024. Đánh giá tổng thể năm 2024, các tổ chức tín dụng dự báo mặt bằng rủi ro tổng thể của các nhóm khách hàng tiếp tục tăng nhẹ so với năm 2023, nhưng tốc độ tăng đã chậm lại nhiều so với năm 2023.

Điểm tích cực hiện nay là các yếu tố vĩ mô đang hỗ trợ tiến trình xử lý nợ xấu. Các sắc luật mới (sửa đổi) liên quan đến thị trường bất động sản tạo cú hích cho thị trường bất động sản, giúp thị trường dần ấm lên, tạo thuận lợi cho quá trình xử lý tài sản đảm bảo (chủ yếu là bất động sản), thu hồi nợ xấu của các ngân hàng.

Bên cạnh đó, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 cho phép ngân hàng được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Luật cũng mở rộng đối tượng và phạm vi mua bán nợ xấu, bao gồm cả việc mua nợ từ các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Điều này sẽ giúp xử lý những khoản nợ xấu đang vay tại nhiều ngân hàng, bao gồm cả ngân hàng trong và ngoài nước, vốn chưa được xử lý triệt để trước đây.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Hướng đến tương lai đô thị thông minh Hướng đến tương lai đô thị thông minh

Thành phố thông minh là một trong những xu thế phát triển chủ đạo của các đô thị trên thế giới cũng như trong khu vực. Việt Nam là một trong những quốc gia đón đầu xu hướng này, và đang có nhiều chuyển biến tích cực cả về chính sách, môi trường đầu tư lẫn việc nghiên cứu, triển khai và ứng dụng thực tế tại các tỉnh, thành.