VDSC: Xuất khẩu tôn mạ có thể giảm trong năm 2025

Xuất nhập khẩu
08:29 AM 23/10/2024

Năm 2025, thị trường xuất khẩu tôn mạ dự kiến gặp nhiều thách thức do Mỹ khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với thép chống ăn mòn nhập từ Việt Nam. Cùng với đó, sự suy giảm tiêu thụ thép toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng.

Trong báo cáo mới cập nhật về thị trường tôn mạ, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết quý III/2024, xuất khẩu tôn mạ đạt 785.422 tấn (giảm 4,7% so với quý trước và tăng 39,4% so với cùng kỳ năm trước). Lũy kế 9 tháng năm 2024, xuất khẩu tôn mạ đạt 2,39 triệu tấn, tăng 45,9% so với cùng kỳ. 

VDSC: Xuất khẩu tôn mạ có thể giảm trong năm 2025- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Đầu Tư

Xuất khẩu vẫn duy trì đà tăng so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu so với thị trường trong nước ước giảm còn 50% trong tháng 9/2024 khi giá thép thế giới trong quý III/2024 không được thuận lợi.

Sau thông tin về chính sách hỗ trợ kinh tế của Trung Quốc, giá HRC tại Trung Quốc và Việt Nam bắt đầu tăng trở lại, trong khi giá tại các thị trường nhập khẩu như Bắc Mỹ và Bắc Âu chỉ tăng nhẹ hoặc đi ngang. Sự chênh lệch biên độ giữa thị trường thép của các khu vực này với Việt Nam không gia tăng, duy trì ở mức thấp. VDSC cho rằng điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến biên lợi nhuận xuất khẩu của các doanh nghiệp tôn mạ trong thời gian cuối năm.

Trong nước, tổng sản lượng tiêu thụ nội địa trong quý III/2024 đạt 629.433 tấn (giảm 1,4% so với quý trước, nhưng tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước). Lũy kế 9 tháng năm 2024, tiêu thụ tôn mạ nội địa đạt 1,76 triệu tấn, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, miền Bắc duy trì mức tăng trưởng vượt trội, đạt 207.678 tấn, tăng 2,5% so với quý trước và 41,5% so với cùng kỳ, phản ánh mức phục hồi của thị trường bất động sản của khu vực này tương đối tốt. 

Tại miền Nam, mặc dù vẫn là khu vực tiêu thụ lớn nhất, nhưng mức độ gia tăng so với cùng kỳ lại thấp hơn miền Bắc với 365.270 tấn, giảm 3,2% so với quý trước và tăng 18,6% so với cùng kỳ). 

Đối với thị trường Miền Trung, tiêu thụ đạt 56.485 tấn, tăng 6,4% so với năm trước song giảm 3,8% so với quý trước, mức tăng trưởng thấp nhất so với các thị trường khác.

Sau giai đoạn đầu năm tăng trưởng tốt về cả xuất khẩu và thị trường nội địa, VDSC dự báo thị trường nội địa sẽ duy trì tăng trưởng ổn định, trong khi xuất khẩu sẽ có sự sụt giảm trong quý IV/2024. Nhóm phân tích dự phóng sản lượng ngành tôn mạ sẽ đạt 1,3 triệu tấn trong quý IV/2024, tăng 26,9% so với cùng kỳ (trong khi quý III/2024 là hơn 1,4 triệu tấn). 

Tính chung cả năm 2024, VDSC dự phóng sản lượng nội địa có thể đạt 2,4 triệu tấn (tăng 16,5%) và xuất khẩu đạt 3 triệu tấn (tăng 36,5%).

Sang năm 2025, thị trường xuất khẩu dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn khi thị trường Mỹ (chiếm khoảng 15% thị phần xuất khẩu thép) khởi xướng điều tra kép chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với thép chống ăn mòn (thép CORE) nhập khẩu từ Việt Nam.

Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ thép toàn cầu suy giảm tiêu thụ trong năm 2024, trong khi Việt Nam đã có mức nền xuất khẩu cao, điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng trong năm 2025. VDSC dự phóng sản lượng xuất khẩu sẽ đạt 2,88 triệu tấn (giảm 5% so với cùng kỳ), trong khi thị trường nội địa duy trì mức tăng trưởng 10% và đạt 2,65 triệu tấn.

Minh An (t/h)
Ý kiến của bạn
Tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho thị trường tín chỉ carbon Việt Nam Tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho thị trường tín chỉ carbon Việt Nam

Thị trường tín chỉ carbon là công cụ giảm thiểu phát thải khí nhà kính, phục vụ hiệu quả mục tiêu phát triển bền vững. Nhưng thị trường này tại Việt Nam chưa có khung pháp lý rõ ràng và chặt chẽ.