Vẻ đẹp nguyên sơ và tiềm năng du lịch nơi thượng nguồn sông Mã

Tiếp thị
04:31 PM 11/01/2023

Mường Lát, Thanh Hóa được biết đến là vùng đất còn nguyên sơ - nơi có dòng sông Mã, núi non hùng vĩ, quanh năm mây mù che phủ cùng sự đa dạng về văn hóa của người bản địa đã và đang trở thành điểm đến vô cùng hấp dẫn của du khách ưa khám phá.

Mường Lát tọa lạc trên độ cao hơn 700m so với mực nước biển, có đường biên giới dài hơn 100km giáp với hai huyện Viêng Xay và Xốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Trong những năm trở lại đây, Mường Lát đang trở thành một trong những điểm đến du lịch cộng đồng mang vẻ đẹp bình yên, nhưng không kém phần huyền bí, nguyên sơ thu hút du khách khám phá.

Mường Lát có tổng diện tích tự nhiên gần 81 nghìn ha, với hơn 40 nghìn đồng bào thuộc 6 dân tộc anh em (gồm: Thái, Mông, Mường, Dao, Khơ Mú và Kinh) sống xen kẽ tại 88 bản, khu phố. Trong đó, người dân tộc Thái chiếm số đông (48,25%), tiếp đó là người Mông (42,89%). 

Thanh Hóa: Vẻ đẹp nguyên sơ và tiềm năng du lịch nơi thượng nguồn sông Mã - Ảnh 1.

Một góc nhỏ thị trấn Mường Lát.

Theo người dân địa phương, tên gọi "Mường Lát" không phải vì nơi đây từng có rất nhiều gỗ lát (trong Mường Lát) mà theo tiếng Thái có nghĩa là "nơi nước tràn qua", bởi vào mùa mưa, nước từ các con suối thường tràn qua làng bản để hòa vào lòng sông Mã. Núi Lát, suối Lát và bản Lát là nơi thể hiện rõ nhất điều này. Và Mường lại là nơi lớn nhất trong vùng nên người ta lấy tên bản này làm tên chung cho huyện. 

Còn có cách lý giải khác trong dân gian cho rằng, Lát là chữ Lạt của người Thái cổ, nghĩa là "nơi tập trung buôn bán sầm uất ở trên cao".

Nói đến Mường Lát phải kể đến dòng sông Mã hùng vĩ, nên thơ với nhiều truyền thuyết thần Long Mã vâng lệnh Ngọc Hoàng xuống hạ giới làm sông cứu hạn cho con người. Thần sải vó phi từ Tây sang Đông, đất lún sâu xuống để nước ngọt phun ra tưới mát cho đồng ruộng cỏ cây. Dòng sông này có rất nhiều tên gọi được chép trong sử sách, như sông Định Minh, Ngu, Ngung, Nguyệt Thường, Hội Thường, Thanh Giang,Tất Mã Giang… Nhưng tên khai sinh (Nậm Mã theo tiếng dân tộc Thái) và là tên thường gọi đến nay (sông Mã) là nổi tiếng và có sức sống lâu dài nhất.

Du khách đến với Mường Lát sẽ cảm nhận được những hình ảnh và tình cảm đẹp đẽ, chứa chan của những người lính thời chống Pháp trong bài thơ bất hủ "Tây Tiến" của nhà thơ Quang Dũng viết năm 1948 với:

Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!

Nhớ về rừng núi, nhớ chơi vơi

Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi

Mường Lát hoa về trong đêm hơi

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây, súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

Những câu thơ trong bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng đã phần nào miêu tả được một thời gian lao mà anh dũng, hào hùng; đồng thời, khắc họa được cảnh sắc hùng vĩ và nên thơ nơi đón nhận dòng sông Mã từ Lào trở về đất Việt.

Hơn thế nữa, Sông Mã còn là nguồn cảm hứng bất tận cho những thi nhân lừng danh, những nhạc sỹ yêu quý vùng đất này, như: Lê Thánh Tông, Nguyễn Trải, Nhữ Bá Sĩ, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Chú, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát, Tản Đà…

Trong lịch sử Xứ Thanh, vùng đất Mường Lát được biết đến không chỉ là địa bàn trọng yếu vùng "thượng nguồn sông Mã" mà còn là vùng đất lịch sử, nơi hình thành mường cổ của người Thái như: mường Chanh, mường Xim, mường Phùng, mường Chiềng Cồng, mường Lát,… với sự giao thoa văn hóa của nhiều tộc người, giàu bản sắc, đa văn hóa. Các sắc văn hóa Thái, Mường, Mông, Dao, Khơ Mú, Kinh làm nên những giá trị quý, góp phần làm giàu thêm kho tàng văn hóa Xứ Thanh nói riêng và cả nước nói chung. 

Con người Mường Lát gần gũi, thân thiện, mến khách, nghị lực và kiên trì chống trọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, giàu tinh thần sáng tạo trong xây dựng bản mường và truyền thống hào hùng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ giang sơn xứ sở.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng Mường Lát lại được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho những cảnh sắc nên thơ, những con sông, dòng suối thơ mộng và hùng vĩ, những bản làng trập trùng bên sườn núi, những thửa ruộng bậc thang, những nếp nhà sàn truyền thống… tất cả hòa vào với sắc màu của truyền thống văn hóa đa dân tộc đã tạo nên một Mường Lát căng tràn sự quyến rũ và mê say.

Chính vì thế, du khách đến với đất và người Mường Lát sẽ được chiêm ngưỡng các danh thắng như: Đền thờ Tư Mã Hai Đào, Chùa Đại Hóa (tại khu Tén Tàn, Thị trấn Mường Lát), bia tưởng niệm đoàn quân Tây tiến (tại bản Sài Khao, xã Mường Lý)… Du khách sẽ được đắm mình thưởng thức nhiều kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc của các tộc người và thưởng thức đặc sản ẩm thực với hương vị đậm chất bản mường.

Mường Lát nổi tiếng với điệu Khặp của đồng bào dân tộc Thái. Đây là một hình thái sinh hoạt văn hóa dân gian mà nhân dân vừa là người sáng tác nên những lời ca, vừa là "diễn viên" trình bày lời ca đó. Chính vì đặc thù mang tính cộng đồng nên Khặp Thái còn có chức năng nâng đỡ, khích lệ tinh thần thương yêu, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau.

Không chỉ hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp nên thơ, trữ tình của cảnh sắc thiên nhiên, đến với Mường Lát còn được thưởng thức những đặc sản núi rừng trứ danh. Đó là những món ăn nổi tiếng như: Bánh Ú, Cơm Lam, Pa - Pính - Tộp (món cá suối nướng được chế biến theo cách riêng của đồng bào Thái), canh Chuối rừng, Láp, Ốt Pho…

Đặc biệt là món Sâu Măng. Vào tháng 9, tháng 10 dương lịch, tiết trời se lạnh, cây măng nứa cao quá đầu người cũng là lúc sâu măng phát triển mạnh nhất. Những con sâu trưởng thành béo ngậy được bà con vùng cao bắt về đem xuống các chợ truyền thống để bán hoặc nhập cho các nhà hàng. Sâu măng có thể chế biến thành những món ăn như: Xào, Chiên giòn… hoặc ngâm rượu.

Vẻ đẹp hoang sơ của Mường Lát, khi đất trời chuyển vào mùa xuân càng được tô điểm thêm bởi những rừng đào cổ thụ bất chấp cái giá lạnh của thời tiết đua nhau nở rộ, khoe sắc bên những sườn đồi trùng điệp; những chồi lá xanh non nhú lên từ cành đào mốc thếch, xù xì những đóa mận trắng mong manh rung rinh trong gió núi, khoe sắc giữa đại ngàn; rồi những nẻo đường quanh co, khúc khuỷu; những "thiên đường mây" hư ảo, bềnh  bồng phiêu lãng như biển bông trắng xóa.

Mùa xuân ở Mường Lát đi vào chiều sâu của không gian, của cảnh vật và lòng người luôn khiến lòng người thêm rạo rực và nhẹ nhàng khoan khoái. Những sắc màu của mùa xuân được phô bày giữa đất trời, đẹp và thanh bình như cô sơn nữ dịu dàng, hoang dại khiến người lữ khách muốn sống chậm lại để cảm nhận trọn vẹn nhất sự dung dị, gần gũi, khoáng đạt của thiên nhiên… Một cảnh đẹp như mơ không kém gì Sa Pa hay Hà Giang.

Từ Hà Nội đến Mường Lát, nếu đi bằng đường bộ du khách có thể theo hai con đường chính. Một là theo Quốc lộ 6 đi tới ngã ba Tòng Đậu, rẽ sang đường 15A đi huyện Mai Châu rồi đến thị trấn Co Lương (thuộc tỉnh Hòa Bình). Từ đây xuôi bên bờ sông Mã đến thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, rồi thẳng quốc lộ 15C ngược lên Mường Lát.

Hoặc theo Quốc lộ 1A đến TP Thanh Hóa, ngược  quốc lộ 47, quốc lộ 15C bên kia cây cầu Hồi Xuân, là hoàn tất cuộc chinh phục hơn 100km đường đèo dốc quanh co, chúng ta sẽ tận mắt thấy "nơi con sông Mã trở về đất Việt". Và khi nghỉ chân dưới gốc cây đa huyền thoại trên đỉnh Pù Cộc (Cổng trời) hùng vĩ, chúng ta đã có thể phóng tầm mắt đến những bản làng đầu tiên của đất Mường Lát.

Và hôm nay Mường Lát đã và đang là điểm đến hấp dẫn của du khách thích đi "phượt" và ưa khám phá, mạo hiểm còn nguyên vẹn vẻ đẹp hoang sơ có một không hai trên vùng đất xứ Thanh.

                  

Triều Nguyệt
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.