Về Hải Phòng nghe hát ca trù ngày xuân

Địa phương
12:20 PM 14/02/2025

Trong những ngày đầu xuân năm mới, âm thanh của mùa xuân hoà với tiếng trống chầu, nhịp phách, lời ca réo rắt của ca trù tại đình An Biên (TP Hải Phòng) vào Rằm tháng Giêng lại rộn ràng vang lên.

Đã thành thông lệ, cứ vào ngày 15 hàng tháng (ngày rằm), tại đình An Biên, câu lạc bộ (CLB)  Ca trù xứ Đông, quận Lê Chân phối hợp với câu lạc bộ ca trù An Biên của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố lại dâng những lời ca tiếng hát lên Đức Thánh mẫu Lê Chân; vừa nhắc nhở nhau về truyền thống uống nước nhớ nguồn, vừa để tôn vinh bảo tồn loại hình âm nhạc dân tộc độc đáo.

Trong những ngày đầu xuân, tiếng tính tang, tòm chát... của các đào, kép say sưa biểu diễn khiến cho không gian ngày xuân ở đây thật rộn ràng, ấm áp mà thiêng liêng. Đến đây, mỗi người như có cảm giác như đang lạc giữa những cuộc hát ả đào từ xưa.

Về Hải Phòng nghe hát ca trù ngày xuân- Ảnh 1.

Một canh hát của NNƯT đào nương Nguyễn Thị Thu Hằng và ca nương Nguyễn Thị Thắm tại đình An Biên. Ảnh: Minh Phương

Chị Nguyễn Thị Hoa, người dân quận Lê Chân cho biết: "Tôi hay ra đình An Biên vào ngày Rằm hàng tháng để được nghe những giai điệu réo rắt của ca trù. Đặc biệt, ngày đầu xuân được nghe khúc ca trù thấy không khí thiêng liêng, ấm áp. Tôi mong loại hình nghệ thuật này tiếp tục được phát huy, lan tỏa nhiều hơn trong cộng đồng để ai cũng có thể hiểu và yêu thích môn nghệ thuật ông cha ta để lại".

Với mong muốn truyền giảng những giá trị tốt đẹp tới thế hệ trẻ qua nghệ thuật truyền thống, CLB ca trù Xứ Đông phối hợp với Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố mở CLB học các môn nghệ thuật hát ca trù, hát văn, hát chèo… tại trường.

CLB ca trù An Biên của Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố thành lập được hơn một năm qua, các em đã học được 02 khoá học với hơn 80 em học sinh. Các em học vào cuối các buổi học ngày thứ 3, 4, 5 hàng tuần. Đặc biệt, có em đã tốt nghiệp Tiểu học Nguyễn Văn Tố chuyển lên trường THCS nhưng em vẫn sinh hoạt trong nhóm CLB ca trù đều đặn, học tập hăng say. Cô giáo Bùi Thị Là, giáo viên âm nhạc của Trường, phụ trách dạy các em hát chèo, hát văn. Còn nghệ nhân ưu tú (NNƯT) đào nương Nguyễn Thị Thu Hằng hiện đang là chủ nhiệm CLB ca trù xứ Đông dạy các em hát ca trù.

Về Hải Phòng nghe hát ca trù ngày xuân- Ảnh 2.

CLB ca trù An Biên dâng những lời ca tiếng hát của mình lên hát lên Đức Thánh mẫu Lê Chân vào Rằm tháng Giêng. Ảnh: Minh Phương

Em Nguyễn Ngọc Lâm - lớp 2A7 Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố, thành viên Câu lạc bộ (CLB) ca trù trường An Biên chia sẻ: "Con được học Ca trù từ khoá 1 sang đến năm nay là năm thứ 2. Con thấy học Ca trù cũng ko quá khó vì các cô giáo đã hát mẫu cho chúng con nghe. Cô giáo còn kể các tích chuyện trong các bài hát để chúng con hiểu hơn về bài hát đó. Đến giờ con đã có thể ngâm nga hát theo điệu bài "Cho con đi học chữ", bài hát chèo về thành phố Hải Phòng nữa ạ".

Những giai điệu khi trầm khi bổng, lúc buông lơi, lúc níu kéo, tạo nên một sức hấp dẫn khó cưỡng, khiến bước chân người nghe lưu luyến mãi không rời. Nơi đây, các thế hệ nghệ nhân và ca nương không ngừng cố gắng để lan toả bộ môn nghệ thuật ca trù trong cộng đồng, để nhân lên sức sống của môn nghệ thuật này. 

Với những nỗ lực gìn giữ, bảo tồn của các nghệ nhân, ca nương, nên sinh hoạt văn hoá dân gian Ca trù tại Hải Phòng đang trở thành một "món ăn tinh thần" không thể thiếu trong cộng đồng và được coi như là một "đặc sản" trong "thực đơn" ngày Xuân của các lễ hội và các sinh hoạt văn hóa truyền thống.

Về Hải Phòng nghe hát ca trù ngày xuân- Ảnh 3.

Ca trù tại Hải Phòng đang trở thành một “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong cộng đồng và được coi như là một “đặc sản” trong “thực đơn” ngày Xuân. Ảnh: Minh Phương

Bên cạnh đó, các thành viên của CLB vẫn đang tiếp nối nhau gìn giữ, phát huy những giá trị độc đáo của ca trù - một di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của vùng đất này.

NNƯT Đào nương, Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết: "Tôi đến với nghệ thuật ca trù là một nhân duyên và cũng do may mắn được gặp thế hệ trước truyền dạy cho. Hiện nay, tôi có kết hợp với CLB ca trù An Biên để dạy cho các con tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố và một số bạn nhỏ khác tại nhà. Với mong muốn để thế hệ trẻ được tiếp cận với ca trù; để ca trù được giữ gìn, bảo tồn, và phát triển hơn nữa. Bởi ca trù là loại hình nghệ thuật vô cùng giá trị về mặt âm nhạc cũng như văn học và nó mang tính nhân văn".

Về Hải Phòng nghe hát ca trù ngày xuân- Ảnh 4.
Về Hải Phòng nghe hát ca trù ngày xuân- Ảnh 5.

Đông đảo du khách về tham dự canh hát tại đình An Biên vào Rằm tháng Giêng. Ảnh: Minh Phương

Hiện nay, ngoài Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố, ca trù cũng được truyền dạy trong Trường Tiểu học Hoà Bình và Trường THCS Hòa Bình (TP Thủy Nguyên).

Nghệ thuật ca trù thể hiện chiều sâu văn hóa, chiều sâu tâm hồn của cộng đồng người Việt. Năm 2009, nghệ thuật ca trù của Việt Nam đã được tổ chức giáo dục, khoa học, văn hóa thế giới UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Hải Phòng vinh dự là một trong 15 tỉnh, thành phố của cả nước được ghi trong hồ sơ di sản quốc gia về tiếp tục gìn giữ, bảo vệ và phát huy những giá trị của nghệ thuật ca trù.

Minh Phương
Ý kiến của bạn