Về huyện Tiền Hải thăm Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước

Địa phương
03:14 PM 29/08/2023

Với đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng ngập mặn và hệ sinh thái thuỷ sinh ven biển, những năm gần đây, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải đang thu hút du khách đến trải nghiệm, khám phá.

Huyện Tiền Hải (Thái Bình) có chiều dài bờ biển trên 23 km, diện tích tự nhiên trên 23 nghìn ha, nằm giữa hai cửa biển Trà Lý và Ba Lạt của sông Hồng; là địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh - quốc phòng ở vùng duyên hải Bắc bộ. Nơi đây có Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, nằm trong quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 45/QĐ- TTg ngày 8/1/2014 của Thủ tướng Chính phủ). 

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải cũng là một trong hai vùng lõi của khu Dự trữ sinh quyển châu thổ sông Hồng và được UNESCO công nhận là vùng lõi quan trọng của khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Thái Bình: Về huyện Tiền Hải ngắm nhìn khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước - Ảnh 1.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước huyện Tiền Hải. Ảnh: Hải Long

Trong khu bảo tồn có 2 cồn cát lớn là: Cồn Vành có diện tích 2.000 ha và Cồn Thủ có diện tích 50 ha. 

Cồn Thủ cách đất liền khoảng 40 km và xen giữa khu vực là các bãi cát ngập triều. Cồn Vành nằm tách biệt với đất liền qua một eo biển có mực nước sâu, trên bờ là rừng ngập mặn hầu hết đã có bờ bao thành các đầm nuôi trồng thủy hải sản. Ngoài ra, còn có một diện tích rộng lớn các đầm nuôi trồng thủy sản ở phía bắc bờ sông Hồng.

Rừng ngập mặn thuộc khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước huyện Tiền Hải - Ảnh: Kim Dung

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải là nơi trú ngụ và dừng chân của hàng ngàn loài chim với hệ sinh thái thực vật đa đạng, phong phú. Hiện, khu bảo tồn có khoảng 200 loài chim, thuộc 31 họ, 14 bộ, trong đó, có gần 160 loài chim di cư, hơn 50 loài chim nước. Ở đây còn có nhiều loài quý hiếm có giá trị bảo tồn, ghi trong Sách Đỏ Việt Nam như: cò thìa, rẽ mỏ thìa, choắt chân vàng lớn, cò trắng Trung Quốc, te vàng, choắt mỏ vàng, mòng biển mỏ ngắn, bồ nông...

Trên 100 loài thực vật là thức ăn cho các loại chim và 43 loại cây có thể làm thuốc. Các loại cá ở khu bảo tồn phong phú với trên 100 loài. Một số loài có giá trị xuất khẩu: cá vược, cá đối vằn, cá bớp, cá lác, cá nhệch, cá thủ vàng...; 20 loài có giá trị kinh tế cao: ngao dầu, ngán, vọp, don, móng tay, cua biển, ghẹ, tôm... là nguồn lợi thủy sản lớn với người dân địa phương. Ngoài ra, có khoảng 113 loài côn trùng, 37 loài lưỡng cư, bò sát trong đó có 4 loài thuộc diện quý hiếm, cần bảo tồn, ghi trong sách đỏ Việt Nam.

 Một phần vùng lõi quan trọng của khu dự trữ sinh quyển thế giới tại huyện Tiền Hải


Rừng ngập mặn tại xã Nam Phú, huyện Tiền Hải nhìn từ trên cao. Ảnh: Hải Long

Nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải có Khu du lịch sinh thái Cồn Vành, với diện tích 1.696ha cùng bãi biển dài khoảng 6 km kèm theo 700ha rừng ngập mặn và 56ha rừng phi lao trải dài dọc bờ biển. Khu du lịch sinh thái Cồn Vành có hệ sinh thái rừng ngập mặn khá phong phú với nhiều loài thực vật như sú, vẹt, bần, thông, cói... cùng trên 200 loài hải sản có giá trị và các loài chim quý hiếm... thu hút những du khách có sở thích khám phá, tìm hiểu.

Du khách có thể trải nghiệm Rừng ngập mặn bằng thuyền trên khu bảo tồn thiên nhiên - Ảnh: Kim Dung

Đến Khu bảo tồn đất ngập nước Tiền Hải, du khách không chỉ được khám phá hệ sinh thái đa dạng phong phú, ngắm nhìn trên hàng trăm loài thực vật khoe sắc trong những cánh rừng ngập mặn bạt ngàn mà còn có dịp được chứng kiến những ngư dân ra khơi đánh bắt hải sản, trên những con thuyền xuyên rừng ngập mặn giữa thiên nhiên hoang dã với cây cối ngút ngàn.

Khu bảo tồn đất ngập nước Tiền Hải là tài nguyên du lịch tự nhiên tiềm năng, quý giá của huyện Tiền Hải. Do vậy nghiên cứu hiện trạng khai thác tiềm năng phát triển du lịch ven biển tại Tiền Hải - Thái Bình là vấn đề cần thiết.

Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ngành du lịch Thái Bình cần phải mở rộng liên kết vùng để hình thành các tour, tuyến du lịch kết hợp lịch sử với văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng và nằm trong hành lang các tour, tuyến du lịch quan trọng của tỉnh.

Trong đó đẩy mạnh công tác xúc tiến và chuyển đổi số trong hoạt động du lịch tạo động lực, nguồn lực thúc đẩy phát triển ngành du lịch, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là phát triển du lịch. Đây sẽ là đòn bẩy quan trọng để Thái Bình tiếp tục đưa ra các định hướng phát triển du lịch trong những năm tới, phấn đấu tích cực phát triển các sản phẩm du lịch tiêu biểu để thu hút du khách và hy vọng Thái Bình là điểm đến lý tưởng trong tương lai gần.

Thành Trung - Kim Dung - Hải Long
Ý kiến của bạn