Về làng Lưu Thượng sắm quà đan từ... cỏ tế
Nằm cách Hà Nội chừng 40 km, làng Lưu Thượng, xã Phú Túc, Phú Xuyên, Hà Nội từ lâu đã nổi tiếng với nghề đan cỏ tế có lịch sử hơn 400 năm.
Theo tuyến Quốc lộ 21B đến Quán Tròn rẽ trái theo Tỉnh lộ 73, theo tấm biển đề du lịch làng nghề mây, tre, giang đan, guột tế Phú Túc sẽ dẫn ta đến với một điểm tham quan du lịch độc đáo. Bên những con đường được trải bê tông, trải nhựa hay lát gạch sạch, đẹp, men theo rìa làng, dọc các thôn, xóm đã bắt gặp một không khí lao động hăng say sôi nổi. Từng dãy hàng guột tế, mây, tre, giang đan đang phơi ven đường, trong sân nhà.
Trong kho, xưởng của những tổ hợp, doanh nghiệp lớn nơi những người thợ trong những công đoạn hoàn thiện sản phẩm: Khò đốt, phơi khô, chỉnh sửa, phun sơn, đóng gói… đang chất cao thêm những thùng thành phẩm chờ ngày tiêu thụ. Những con người khéo léo của đất nghề từ các em nhỏ tới các bậc cao niên, rồi những bà, những cô, những cậu… đang thoăn thoắt tay buộc, tay đan làm nên những món hàng độc đáo.
Những công đoạn cuối tạo ra sản phẩm từ cỏ tế. Ảnh: Tạp chí TTV
Khu trung tâm xã cũng là khu phố chợ Lưu Thượng chính là tâm điểm của chuyến tham quan, nơi tập trung khoảng 15 tổ hợp lớn. Những tên tuổi doanh nghiệp: Phú Ngọc, Phú Tuấn, Hiền Lương, Hồng Kỳ, Thành Công… đã vang tiếng khắp vùng và trở thành những đầu mối giao lưu quảng bá sản phẩm của cả làng đồng thời còn giúp mang nghề, mang việc làm và thu nhập cho cả các xã lân cận trong vùng chính là những địa chỉ đầu tiên ghé thăm của du khách.
Tại bất cứ một tổ hợp nào ta đều nhận được sự thân thiện, hiếu khách của những người chủ năng động. Cũng tại đây, du khách sẽ được nghe kể chuyện về sự tích của nghề đan cỏ tế.
Tương truyền, làng Lưu Thượng có lịch sử hơn 400 năm, ban đầu cỏ tế do một người phụ nữ họ Nguyễn phát hiện ra. Bà phát hiện loại cỏ này có thể dùng để đan thành các sản phẩm đánh bắt cua, cá và đã dạy lại cho người dân địa phương. Về sau, từ cỏ tế, người ta còn làm ra các sản phẩm đa dạng về kiểu dáng và kích cỡ như tráp, giỏ đựng hoa quả, hộp đựng son phấn, quần áo…
Thăm gian trưng bày giới thiệu hàng nghìn mẫu sản phẩm với đủ loại mẫu mã được sản xuất từ cỏ tế.
Sản phẩm từ cỏ tế đa dạng, đẹp mắt. Ảnh: BPL
Khách ghé thăm một ngôi nhà dân bất kỳ trong làng sẽ được tận mắt chứng kiến một không khí lao động rất đặc trưng của các làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Giữa ngôi nhà đang chất đầy những nguyên phụ liệu, những sản phẩm chờ ngày tiêu thụ, người lao động miệt mài công việc từ vót, chẻ những thanh tre, giang, mây, cỏ tế; người thoăn thoắt tay đan, tạo nên những sản phẩm độc đáo.
Bất kỳ ai khi về Lưu Thượng cũng dễ dàng lựa chọn cho mình những chiếc giỏ hoa, lẵng hoa, giỏ quả… với hàng ngàn mẫu mã đẹp mắt. Giá cả rất dễ mua chỉ từ 5.000 đồng đến vài chục nghìn đồng là du khách đã có thể sở hữu một món đồ thủ công mỹ nghệ tinh xảo, đẹp mắt, xinh xắn.
Về cơ bản, nghề đan cỏ tế giống nghề đan lát mây tre. Tuy nhiên, cỏ tế lại có những ưu thế mà sợi mây, nan tre không có được, đó là sự nổi bật về màu sắc tự nhiên (màu đỏ nâu rất đẹp). Hơn nữa, cỏ tế rất mềm mại, dẻo dai nên dễ cho việc tạo dáng và đặc biệt là có độ bền cao.
Các loại cỏ tế sau khi mua về sẽ được phân loại rồi phải phơi ít nhất 3 nắng to liên tục mới đạt chất lượng cả về độ bền và màu sắc. Tiếp theo, người thợ để nguyên hoặc chẻ cây cỏ tế ra làm 2, 3 hay 4 phần tùy thuộc vào việc dùng để sản xuất loại hàng hóa nào. Sau đó, cỏ tế được dùng để đan và tạo hình cho sản phẩm. Các loại cỏ tế được đan phải có cùng màu sắc, độ dẻo dai để tạo sự đồng đều.
Sản phẩm sau khi tạo hình được hun qua diêm sinh, rồi nhúng qua dầu keo để màu sắc được bền và tươi tắn hơn. Nhúng dầu keo xong, người thợ sẽ phơi hoặc sấy khô sản phẩm rồi tiếp tục nhúng dầu lần thứ hai hoặc lần thứ 3 tùy theo yêu cầu đối với từng loại sản phẩm.
Với sự tài hoa và óc sáng tạo của người thợ thủ công, chất liệu thiên nhiên này đã biến thành các sản phẩm rất hữu dụng đối với đời sống con người, từ những vật dụng nhỏ nhất như chiếc tăm, chiếc giỏ đến những sản phẩm trang trí nội thất và cả những công trình kiến trúc, các ngôi nhà cư trú… Hơn nữa, cỏ tế có mùi thơm không lẫn với bất cứ loại cỏ nào nên khi trang trí trong nhà sẽ tạo thêm một loại “nước hoa” đặc biệt.
Các sản phẩm từ cỏ tế không chỉ phục vụ mục đích sinh hoạt cá nhân mà còn được người dân xuất khẩu sang các thị trường như: Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc…
Với việc giữ gìn và lưu truyền nghề đan cỏ tế hàng trăm năm nay, Lưu Thượng đã đưa làng quê nghèo trở thành vùng kinh tế hàng hóa sôi động, phong phú và sầm uất.
Sản phẩm từ cỏ tế góp phần làm phong phú và sống động thêm cho bức tranh văn hóa Việt Nam đa dạng và độc đáo. Làng nghề thủ công truyền thống với các bí quyết nghề nghiệp riêng là sản phẩm độc đáo của nền văn hóa Việt Nam. Đó là một cộng đồng có sự liên kết chặt chẽ bởi những mối liên hệ chằng chịt về lãnh thổ, huyết thống, kinh tế, văn hóa và tâm linh. Đây là nơi hiện lưu giữ kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú, nơi biểu hiện cụ thể, sinh động bản sắc văn hóa dân tộc.
Các làng nghề không chỉ là nơi tập trung sản xuất các sản phẩm của làng nghề mà còn là nơi hội tụ các thợ và các nghệ nhân tài khéo, những người đã tạo ra những sản phẩm có bản sắc riêng mà ở nơi khác khó có thể bắt chước được. Thực tế cho thấy, những sản phẩm thủ công mỹ nghệ không chỉ là những vật phẩm sinh hoạt bình thường hàng ngày, mà một số sản phẩm nghệ thuật biểu trưng của nền văn hóa xã hội, mức độ phát triển kinh tế, trình độ dân trí, đặc điểm nhân văn của dân tộc.
Minh AnTrong báo cáo mới cập nhật, SSI Research dự báo ngành hàng không Việt Nam trong năm 2025 dự kiến sẽ được tiếp sức mạnh mẽ nhờ ba yếu tố then chốt.