Vé máy bay dịp Tết Nguyên đán có dấu hiệu tăng mạnh
Giá vé máy bay trong dịp Tết Nguyên đán 2024 có dấu hiệu tăng do nhu cầu đi lại của người dân.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), trong 10 tháng năm 2023, toàn ngành hàng không đã khai thác tổng cộng 241.177 chuyến bay, giảm gần 20.000 chuyến so với cùng kỳ 2022.
Trong đó ghi nhận 204.816 chuyến bay đúng giờ, tương đương OTP đạt 84,9%, thấp hơn đáng kể so với mức OTP trung bình của 10 tháng năm 2022 là 89%.
Đáng chú ý, 10 tháng đầu năm toàn ngành hàng không khai thác tổng cộng 241.177 chuyến bay, giảm gần 20.000 chuyến so với cùng kỳ 2022. Số chuyến bay bị cắt giảm lớn khiến nhiều người lo ngại nếu tình trạng này tiếp tục xảy ra vào dịp Tết Nguyên đán sẽ khiến giá vé tăng cao.
Theo khảo sát trên trang bán vé máy bay của các hãng hàng không, giá bán vé của các chuyến bay trong giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn từ khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng 2/2024 đã tăng gấp 2 - 3 lần so với ngày thường và khan hiếm vé giá rẻ.
Một đại diện đại lý bán vé máy bay chia sẻ, ví dụ cùng là chuyến bay từ TP Hồ Chí Minh đến Phú Quốc, giá vé máy bay khứ hồi của Vietjet Air nếu đặt vào thời điểm tháng 12 sẽ có mức giá là hơn 1,9 triệu đồng. Tuy nhiên, khách hàng có thể sẽ phải trả mức giá gần gấp đôi, tức là hơn 3,8 triệu đồng nếu đặt vé bay vào thời điểm đầu tháng 2/ 2024, tức dịp Tết Nguyên đán.
Với chặng bay đông khách nhất Hà Nội - TPHCM, theo khảo sát giá vé máy bay khứ hồi của các hãng Vietnam Airlines, Bamboo Airways ở hầu hết các khung giờ đều đã tăng lên mức khoảng 7 triệu đồng. Trong khi giá vé hàng ngày thường chỉ dao động trong mức 3,4 - 3,8 triệu đồng.
Trên thực tế, đặc thù của vé máy bay là có nhiều dải giá khác nhau, được mở bán từ thấp đến cao theo nguyên tắc giá rẻ bán trước. Hành khách mua vé càng xa ngày đi sẽ càng có nhiều cơ hội tiết kiệm chi phí. Do vậy, để tiết kiệm chi phí, hành khách nên mua vé ngay khi có kế hoạch, càng gần ngày bay giá vé sẽ cao do lượng vé rẻ đã được nhiều khách hàng mua trước đó. Tuy nhiên, vé máy bay Tết thì khó có khả năng mua quá rẻ, vì đây luôn là thời điểm nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biến.
Trước nhu cầu đi lại của người dân tăng cao dịp tới, để đảm bảo năng lực vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam, Cục Hàng không cho biết, cơ quan này đang tiếp tục thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hãng.
Cục Hàng không dự kiến sẽ triển khai thêm các giải pháp để ổn định thị trường trong giai đoạn tới như: báo cáo Bộ GTVT sớm ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 17/2019 điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Cục cũng sẽ hỗ trợ, khuyến khích các hãng hàng không đảm bảo lực lượng vận tải và tăng năng lực khai thác thông qua việc tìm kiếm các tàu bay thuê ngắn hạn, dừng các hợp đồng cho thuê tàu bay để lấy lại tàu bay.
Bên cạnh đó, Cục Hàng không sẽ báo cáo Bộ GTVT, kiến nghị Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hàng không về giảm thuế bảo vệ môi trường, giảm một số loại thuế, phí đến hết năm 2024; chính sách hỗ trợ lãi suất với doanh nghiệp trong ngành hàng không; kéo dài chính sách cơ cấu nợ vay theo Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước đến hết năm 2024, cơ chế, chính sách về bảo lãnh ngân hàng... Những nỗ lực kể trên nhằm mục tiêu hỗ trợ tối đa cho các hãng hàng không hồi phục và phát triển bền vững thời gian tới.
Huyền My (t/h)Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2024 có thể đạt mục tiêu 2 tỷ USD.