Về quê đi chợ Tết
Mỗi năm, sau khi cúng ông Táo xong, chợ Tết ở các làng quê như đông vui hẳn lên. Gần Tết, chợ quê thật vui vẻ, tấp nập, nhiều dạng như chợ bến, chợ đình, chợ gò, chợ chùa, chợ huyện…
Tết quê đến sớm hơn và dễ cảm nhận hơn ở thành thị. Vào khoảng sau Tết ông Táo trở đi, chợ nào cũng được gọi là chợ Tết cả. Từ mọi nẻo đường, các bà, các cô tay thúng, tay nón đổ về các chợ hối hả. Các chủ sạp cũng bày biện đủ các loại hàng hóa để chào mời khách. Họ họp chợ khắp nơi: ngoài đường, ngoài ruộng, bến sông... Nhiều loại hàng tiêu dùng tăng giá mạnh nhưng đến chiều 30 Tết cũng hết sạch.
Chợ Tết dường như được mở rộng hơn để phục vụ khách hàng. Trăm ngả đều đổ dồn về phiên chợ Tết.
Chợ ở quê có hai loại: Chợ họp theo phiên và chợ ngày nào cũng mua bán. Chợ họp theo phiên vào những ngày áp Tết có lượng khách rất lớn. Từ mờ sáng, các sạp hàng đã đã bầy đủ các loại hàng hóa.
Người đi chợ không chỉ để mua bán mà còn đi chơi, thưởng thức các món ngon, vật lạ. Nếu không mua sắm, chỉ đi "tham quan" các mặt hàng, "nghe ngóng" giá cả thì đây là dịp rất tốt để nắm bắt thị trường.
Nhiều cụ già cũng cố đi từ đầu chợ đến cuối chợ. Các cụ ông thường sẽ mua đôi liễn thật mới, vài câu đối Tết thật ưng ý hoặc tìm mua vài chai rượu nếp, một gói trà hương ướp sen thơm mát. Thanh niên nam nữ thì hớn hở, sà vào vào các sạp hàng để ngắm cho thỏa thích. Nhiều cô, bác lại thích vào các hàng tạp hóa tìm mua cho được chiếc gương soi, một chai dầu gội đầu hay chiếc khăn lau mặt. Trẻ con thì thích mua các món đồ chơi ngày Tết như tò he, những chiếc trống rung đủ màu sắc sặc sỡ hay vài chú gà đất thổi kêu tí toe vang cả chợ.
Dân làng nhộn nhịp đi sắm Tết
Chợ Tết khác với chợ thường là có thêm hàng bánh trái, hàng bán lá dong, lá chuối xanh mướt. Kế đến là các hàng gà, vịt ồn ã. Các hàng bánh mứt quê cũng rất đa dạng và phong phú. Từ các loại bánh cốm, su sê, bánh ít lá gai cho đến bánh in, bánh thuẫn, bánh tráng (bánh đa)… đến hàng cá, từ cá sông, cá đồng, cá biển tươi rói.
Mỗi năm chỉ có một dịp Tết nên hàng hóa có cao chút ít cũng chẳng sao! Miễn là bà con sắm sửa Tết được đủ đầy, sung túc.
Ngày Tết, mâm ngũ quả không thể thiếu trong mỗi gia đình. Bởi vậy, chợ Tết cũng có đủ các loại hoa quả bốn mùa. Tất cả các loại nhang đèn, trầu cau, hoa quả bày bán đầy đủ hơn thường ngày. Những buồng cau trĩu quả, những giỏ cam, giỏ quít chen lẫn những đống quả dưa hấu xanh tươi trông thật bắt mắt.
Các chậu cảnh, những hòn non bộ cũng được mang đi họp chợ. Các khách hàng đứng tuổi thường dừng chân tại đây bình phẩm trước các chậu cảnh vừa ý hoặc ngắm nghía các cành mai vàng sung mãn vừa đưa từ rừng núi về.
Bên cạnh đó là những nải chuối xanh bụ bẫm, những quả phật thủ xòe tay như chào mời hoặc những quả gấc đỏ ối nổi lên giữa đám rau xanh ngát làm ta gợi nhớ đến mâm cỗ cúng ngày Tết nhiều màu sắc.
Đông nhất là hàng quần áo. Đủ loại quần áo, mới có, cũ có, xếp thành từng đống. Các cô, các bà thường bỏ công chọn lựa bộ đồ cho con, cháu những bộ quần áo mặc Tết với giá cả vừa túi tiền.
Gian hàng chợ Tết làng nghề
Chợ Tết còn xuất hiện thêm nhiều loại chợ rất lạ, chỉ nhóm họp vài hôm trước Tết. Đó là các chợ hoa, chợ thịt ở các sân đình, sân miếu, ở bến sông hay giữa cánh đồng làng. Các chợ hoa họp đến 30 Tết mới tan. Nhiều năm hoa quả nhiều, đến giờ giao thừa vẫn còn họp.
Cảnh chợ Tết làng quê
Chợ quê là nơi thể hiện đậm chất nét văn hóa làng quê. Đi chợ Tết là thú vui ở nông thôn, cho nên đến chợ chưa hẳn là để mua bán mà còn để thư giãn, ngắm nghía, tìm hiểu giá cả và sức mua sắm vào dịp cuối năm. Chợ Tết làng quê thực chất là một loại hội chợ, một loại lễ hội dân gian "Đến hẹn lại lên"… tuy chưa đến Tết, nhưng qua việc chuẩn bị, mua sắm cũng đã cảm nhận được Tết đến nơi rồi!
Hoàng VânGiá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.