Vé tàu xe Tết Nguyên đán Nhâm Dần vẫn còn nhiều do nhu cầu đi lại giảm mạnh
Mặc dù Tết Nguyên đán đang đến rất gần nhưng đến thời điểm này vé tàu xe vẫn còn khá nhiều. Tuy kế hoạch chạy tàu xe đã giảm so với mọi năm, nhưng năm nay bởi dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp nên nhu cầu đi lại của người dân không cao.
Do phần lớn học sinh, sinh viên ở các tỉnh, thành phố đều đã ở quê từ trước, cộng với lượng lớn người lao động, nhất là lao động tự do đã rời Thành phố Hồ Chí Minh nên nhu cầu đi lại dịp Tết giảm mạnh.
Theo Phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị đã xây dựng phương án và phối hợp vận chuyển số lượng lớn người dân các tỉnh, thành phố có nguyện vọng về quê trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Cụ thể, đơn vị đã tổ chức 212 đợt, đưa 55.371 người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh trở về địa phương 47 tỉnh, thành phố.
Đường sắt vắng bóng người mua
Đối với ngành đường sắt, bắt đầu từ ngày 4/1, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam mở bán vé tàu địa phương phục vụ dịp cao điểm vận tải Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 từ TP.Hồ Chí Minh đi Phan Thiết, Nha Trang, Quy Nhơn, Quảng Ngãi và ngược lại.
Trên tuyến đường sắt Sài Gòn - Phan Thiết mở bán vé đôi tàu SPT1/SPT2, tuyến Sài Gòn - Nha Trang mở bán SNT1/SNT2, Sài Gòn - Quy Nhơn SQN1/SQN2, Sài Gòn - Quảng Ngãi SE25/SE26.
Trước đó, ngành đường sắt cũng đã mở bán các đôi tàu khách Thống Nhất (Hà Nội - TP.Hồ Chí Minh) gồm tàu SE1/SE2, SE3/SE4, SE5/SE6, SE7/SE8 và tuyến Đà Nẵng - TP Hồ Chí Minh SE21/SE22.
Các đoàn tàu áp dụng chính sách nguyên khoang, nguyên toa với ưu đãi giảm giá vé từ 10% đến 15%, cung cấp miễn phí suất ăn trên tàu. Tại các nhà ga, hành khách được bố trí phòng đợi hoặc khu vực chờ tàu riêng và bố trí lối đi riêng khi lên, xuống tàu,…
Thông tin từ Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, sau gần 2 tháng mở bán vé tàu Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đơn vị đã bán được hơn 24.000 vé.
Còn theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, những năm trước đây khi dịch bệnh chưa bùng phát thì chỉ sau 10 ngày đầu mở bán, các đơn vị đã bán 20 nghìn vé tàu Tết Nguyên Đán. Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, mặc dù áp dụng nhiều ưu đãi chưa từng nhưng lượng khách mua vẫn rất cầm chừng.
Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán năm 2021 với tổng số hơn 200 nghìn vé tàu Tết thì có khoảng 70 nghìn vé tàu không bán được, nhiều hành khách sau khi mua vé còn trả lại do dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Năm nay, dù Tết Nguyên đán đã gần kề song các nhà ga vẫn vắng vẻ, hành khách mua vé qua những kênh khác cũng không nhiều. Nguyên nhân vé tàu Tết “ế” khách ngoài tâm lý e ngại dịch bệnh còn do một lượng lớn người lao động từ các đô thị lớn đã trở về địa phương trước đó khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Mặt khác ngành đường sắt cũng thiếu hụt số lượng lớn hành khách là sinh viên các trường đại học.
Lượng người đi xe khách sụt giảm
Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, lượng hành khách đi lại trên các tuyến vận tải hành khách liên tỉnh bằng xe ô tô tại các bến xe đã sụt giảm nhiều. Từ ngày 13/10 đến hết ngày 31/12/2021, lượng hành khách đi lại thông qua các bến giảm 95% so với cùng thời gian năm 2020 và giảm 98% so với ngày thường trước dịch bệnh (số liệu năm 2019).
Ghi nhận tại các bến xe hiện nay, lượng khách đến mua vé khá thưa thớt. Theo phân tích của các bến xe khách liên tỉnh tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhu cầu đi lại của hành khách dịp Tết có sự thay đổi lớn vì ảnh hưởng dịch bệnh kéo dài.
Thu nhập của người dân bị ảnh hưởng nhiều từ dịch bệnh nên việc di chuyển về quê đón Tết của người lao động cũng bị ảnh hưởng theo. Hiện nay, quy định quản lý người dân di chuyển có sự khác nhau giữa các địa phương khiến nhiều hành khách ngần ngại không đặt mua vé dù có nhu cầu.
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhất là sự xuất hiện biến chủng Omicron nên tâm lý của hành khách còn e ngại, hạn chế di chuyển. Do vậy, việc dự báo kế hoạch Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 gặp nhiều khó khăn.
Tại Bến xe miền Tây, trên cơ sở phục vụ hành khách dịp Tết Nguyên đán 2021 và tình hình hành khách đi lại hiện nay, dự báo sản lượng hành khách trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 giảm 30-40% so với cùng kỳ năm trước, lượng khách chủ yếu tập trung từ ngày 26-29 tháng Chạp.
Ông Đặng Nguyễn Nguyên Huân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe miền Tây, cho biết do đặc thù chủ yếu phục vụ các chặng ngắn nên lượng khách mua vé thường tập trung vào những ngày cận Tết. Dù vậy, năm nay sản lượng hành khách dự báo sẽ giảm mạnh so với những năm trước.
Hiện lượng khách di chuyển qua bến chỉ đạt khoảng từ 15-20% so với trước đây. Hy vọng, dịp Tết sẽ đạt khoảng từ 60-70% so với Tết năm 2021. Hiện cũng chưa có doanh nghiệp nào đăng ký điều chỉnh giá vé dịp Tết.
Trong khi đó, những ngày qua, hành khách đến mua vé cũng khá thưa thớt, một phần do lượng hành khách có nhu cầu đi lại ít, đồng thời nhiều nhà xe cũng mở bán vé trực tuyến. Lượng hành khách đến bến xe mua vé hoặc tham khảo vé chỉ tăng nhẹ sau khi Thành phố Hồ Chí Minh trở thành vùng xanh, nhưng không đáng kể.
Vé máy giá thấp mà vẫn... “ế”
Theo thông lệ hàng năm, giá vé máy bay Tết Nguyên đán, đặc biệt trên trục Hà Nội - TP.HCM luôn “neo” ở mức cao, thậm chí là trần, 6 - 7 triệu đồng/cặp vé khứ hồi và đã được các “thượng đế” săn tìm từ vài tháng trước Tết.
Tuy nhiên, đến nay chỉ còn khoảng hơn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 nhưng lượng vé các chặng bay vẫn còn rất nhiều. Không chỉ giá vé thấp mà số lượng chuyến bay cũng rất dồi dào với đa dạng giờ bay cho hành khách lựa chọn, khác hẳn tình trạng khan hiếm thời gian trước khi mà các hãng bay đều được phép tăng tần suất sau thời gian mở bay trở lại.
Trên nhiều kênh bán vé trực tuyến, nếu đặt vé Vietnam Airlines bay ra Hà Nội vào ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tết Âm lịch (29/1, tức 27 tháng Chạp) và bay vào TP.HCM vào ngày cuối cùng (ngày 6/2, tức ngày mùng 6 Tết), giá vé khứ hồi khoảng 3,7 triệu đồng (đã bao gồm thuế phí).
Nếu chọn bay Vietjet hạng phổ thông (không được đổi tên hành khách, chỉ có 7kg hành lý xách tay, hành lý ký gửi khách phải mua thêm, nếu thay đổi chuyến bay, ngày bay, hành trình bay khách phải trả tiền phí thay đổi cũng như chênh lệch tiền vé nếu có), khách hàng sẽ chỉ phải trả khoảng 3,1 triệu đồng/vé khứ hồi.
Trước đó, các hãng hàng không đã xây dựng phương án vận chuyển giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 với mức độ tương đương với dịp cao điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 (khoảng 20.000 chuyến bay với hơn 3,6 triệu ghế cung ứng).
Tuy nhiên để tránh việc thừa tải cung ứng, cũng như lãng phí nguồn lực của các hãng hàng không, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, bước đầu, việc cung ứng trong giai đoạn này sẽ ở mức 70 - 75% so với Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
HM (T/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.