Về thăm làng nghề Thụy Ứng xem nghệ nhân "thổi hồn vào chiếc lược ngà"
Làng nghề lược sừng Thụy Ứng (xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội) nổi tiếng lâu nay là làng nghề duy nhất trên cả nước làm lược bằng sừng trâu, bò. Trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, nhưng làng nghề vẫn tồn tại, phát triển và là điểm tham quan thú vị với du khách trên hành trình tìm hiểu các làng nghề ở Hà Nội.
Từ Hà Nội theo đường Quốc lộ 1A về phía Nam, đến ga Thường Tín rẽ theo Tỉnh lộ 427 về hướng Tây, đi chừng 3km là đến làng Thụy Ứng. Đường làng Thụy Ứng đúng như mái tóc đang hong trong nắng vàng ươm trong câu thơ: "Cầu cong như chiếc lược ngà. Sông dài mái tóc cung nga buông hờ" của thi sĩ Nguyễn Bính.
Những chiếc lược sừng thủ công của Thụy Ứng đã trở thành một món hàng được nhiều nơi ưa chuộng.
Với bàn tay tài hoa, khéo léo, tinh tế, tính mỹ thuật cao những người thợ lược Thụy Ứng đã biến chiếc sừng rất cứng thành mềm mại đẹp đẽ với họa tiết, hoa văn tinh xảo vừa phục vụ cuộc sống sinh hoạt đồng thời mang giá trị thẩm mỹ, giá trị nghề thuật cao. Theo một nghệ nhân trong làng, cái hồn cốt của chiếc lược vẫn nằm ở trái tim rung động và say mê với cái đẹp. Chính vì thế, mỗi cái lược lại có độ mềm mại riêng, thể hiện nét hoa văn tinh tế và độ ấm áp của một tâm hồn nghệ sĩ. Bởi vậy, làng Thụy Ứng còn được gọi là nơi những nghệ nhân "thổi hồn vào chiếc lược ngà".
Sản phẩm lược sừng Thụy Ứng. Ảnh: Tạp chí Làng nghề Việt
Trước đây, một ngày người thợ làm lược sừng Thụy Ứng chỉ làm được tối đa 30-40 sản phẩm nhưng hiện nay nhờ có sự hỗ trợ của máy móc có thể hoàn thành 70-100 sản phẩm. Một chiếc lược trơn xuất xưởng có giá thành giao động từ 20.000đ - 40.000đ/chiếc. Các loại vòng sừng giá thành dao động từ 100.000đ - 200.000đ/chiếc. Trung bình thu nhập của người thợ thủ công trong khoảng 150.000đ - 500.000đ/ngày công tùy thuộc tay nghề và thời vụ.
Từ nguyên liệu sừng và móng sừng, người thợ Thụy Ứng đã sáng tạo ra mặt hàng mới, phục vụ đời sống dân sinh trong và ngoài nước như thìa, ấm, chén, bát uống nước trà, dĩa, xỉa thức ăn,be rượu, ống tăm, gạt tàn thuốc lá, lót đón chân giày, ống đũa. Đặt biệt, nhiều thợ khéo tay đã sáng tạo ra những mặt hàng mỹ nghệ bằng chất liệu sừng như con tôm, con rồng, phượng hoàng, đại bàng, hộp đựng đồ trang sức và các con giống như chuồn chuồn, thạch sùng để gắn vào túi xách và treo tường trang trí ở các nhà hàng, khách sạn, công sở….
Mới đây, nhiều sản phẩm của một số công ty và hộ kinh doanh tại làng đã được công nhận 4 sao OCOP Hà Nội như: Công ty TNHH sản xuất và XNK thủ công mỹ nghệ Đông Nam Á, hộ kinh doanh Nguyễn Văn Sử...
Các sản phẩm tinh xảo từ sừng trâu, bò của nghệ nhân làng Thụy Ứng. Ảnh: Sưu Tầm
Điều này góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử của sản phẩm, nâng cao nhận thức của người dân về truyền thống văn hóa dân tộc, đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập quốc tế như hiện nay, đưa thương hiệu của làng nghề Thụy Ứng lên một tầm cao mới.
Hiện nay, UBND xã Hòa Bình đang chú trọng đến việc thu hút khách tham quan tới làng Thụy Ứng, việc gìn giữ môi trường, thành lập Hội làng nghề, xây dựng thương hiệu làng nghề, bảo tồn các di tích lịch sử, những ngôi nhà cổ, cổng cổ... để xây dựng các sản phẩm du lịch hấp dẫn với du khách đã được tổ chức triển khai; đồng thời cũng đặt ra yêu cầu về sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngành liên quan, góp phần đưa làng lược sừng Thụy Ứng là điểm đến hấp dẫn trong không gian văn hóa làng nghề truyền thống của Hà Nội.
Minh AnBáo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, ước giải ngân vốn đầu tư công của cả nước đến hết tháng 11 là 410.953,1 tỷ đồng, đạt 60,43% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.