VFA đề nghị bổ sung cơ chế quy định giá sàn xuất khẩu gạo
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng về tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo; trong đó có kiến nghị quy định giá sàn xuất khẩu gạo.
VFA vừa có văn bản gửi Thủ tướng, báo cáo tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam. Theo VFA, hoạt động xuất khẩu gạo từ ngày 1 đến 15/8 đạt 456.768 tấn, trị giá 155 triệu USD, so với cùng kỳ giảm 19% về số lượng nhưng giá trị tăng 30%. Tính đến ngày 18/8, vụ hè thu đã thu hoạch được sản lượng khoảng 5,5 triệu tấn lúa. Vụ thu đông đã gieo sạ 420.000 ha trên 700.000 ha diện tích theo kế hoạch.
Ngày 20/7 vừa qua, khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, tiếp đó là lệnh dừng xuất khẩu gạo của một số nước khác, khiến nhu cầu đối với mặt hàng này trở nên khan hiếm, đẩy giá gạo thế giới tăng mạnh, tác động lớn đến thương mại gạo toàn cầu. Việt Nam đã tận dụng cơ hội khai thác thị trường, nâng cao hiệu quả cho nông dân trồng lúa. Tuy nhiên, quá trình thực hiện các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp một số khó khăn.
Đơn cử, do giá cả biến động tăng quá nhanh dẫn đến chuỗi cung ứng bị đứt gãy từ nông dân đến thương lái (hàng xáo) đến nhà máy xay xát chế biến và DN xuất khẩu gạo.
Nguyên nhân là do tâm lý chờ giá, hợp đồng liên kết bị phá vỡ, các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn trong việc huy động nguồn hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký. VFA đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp hội viên cố gắng bảo đảm thực hiện hợp đồng đã ký nhằm giữ thị trường và đàm phán giãn tiến độ giao hàng để giảm thiệt hại. Đối với hợp đồng mới phải bảo đảm có chân hàng trước khi ký, trường hợp chưa có hợp đồng nên hạn chế số lượng mua vào tránh biến động giá trong nước.
Giá lúa gạo nội địa tăng, doanh nghiệp thiếu hẳn nguồn vốn mua lúa gạo dự trữ, gối đầu làm giảm hiệu quả kinh doanh và tính cạnh tranh. Trong khi đó, việc tiếp cận vốn ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn nhất là vốn lưu động và hạn mức tín dụng thấp.
Trước tình tình trên, VFA kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng nhà nước xem xét có các cơ chế hỗ trợ về vốn cho thương nhân nhằm tăng cường nguồn lực tài chính phục vụ hoạt động thu mua lúa gạo, bảo đảm nguồn hàng tồn kho dự trữ lưu thông.
VFA cũng kiến nghị bổ sung cơ chế quy định giá sàn xuất khẩu gạo nhằm bảo đảm hiệu quả cho nông dân sản xuất lúa, đồng thời bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh giữa các thương nhân xuất khẩu gạo, nhất là những thương nhân đã đầu tư cơ sở sản xuất theo Nghị định 109/2010 và các thương nhân thuê kho theo Nghị định 107/2018.
Theo cập nhật giá gạo xuất khẩu Việt Nam của VFA ngày 31/8, gạo 5% tấm là 643 USD/tấn, gạo 25% tấm là 628 USD/tấn. Đây là mức giá cao nhất kể trong đợt sốt giá gạo năm nay và cao nhất kể từ năm 2008.
Hiện nay, có hơn 200 thương nhân xuất khẩu gạo và nhiều tổ chức, cá nhân xuất khẩu gạo ủy thác nên cạnh tranh khá gay gắt, trong đó có cạnh tranh về giá.
Cơ chế áp dụng giá sàn xuất khẩu mới đây đã được Ấn Độ áp dụng với gạo đặc sản Basmati với mức giá là 1200 USD/tấn. Nước này cũng áp thuế 20% gạo đồ và cấm xuất khẩu gạo thông dụng khiến giá gạo toàn cầu lên cơn sốt.
Nhận định về tình hình giá gạo hiện nay, nhiều chuyên gia nói rằng, xu hướng tăng giá gạo trở lại có thể xảy ra trong tháng 9 vì một trong những nguồn cung quan trọng là Myanmar đang cân nhắc tạm dừng xuất khẩu gạo.
Huyền My (t/h)Ngày 20/12, tại Khu đô thị Park City Hà Đông, đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội khai mạc Tuần hàng Việt "Made in Vietnam 2024".