VFA đề xuất ưu tiên “luồng xanh” trong lưu thông lúa gạo
Tại buổi làm việc trực tuyến với Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công thương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành nhanh chóng tạo “luồng xanh” trong lưu thông lúa gạo, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp lúa gạo bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Những ngày gần đây, doanh nghiệp xuất khẩu gạo thường xuyên trong tâm thế “đứng ngồi không yên” bởi hàng đầy kho mà không thể xuất đi.
Các doanh nghiệp nêu nguyên nhân không xuất được hàng là do các cảng đang thiếu công nhân do nhiều địa phương không cho cảng tập trung đông, phải giãn cách 2m, dẫn tới không bốc xếp hàng từ xe lên băng chuyền để đưa vào container. Bên cạnh đó, đơn hàng xuất đi châu Phi không có tàu lớn vào do lo ngại dịch bệnh; xà lan đi từ địa phương lên khó, bị giữ lại, không vào bốc hàng được…
Đồng thời, việc bốc xếp, vận chuyển, lưu thông lúa hàng hóa bị đứt gãy chuỗi cung ứng từ ngoài đồng, đến nhà máy, giao ra cảng và lên tàu cho khách hàng. Kênh phân phối nội địa cũng khó khăn giao hàng cả đường bộ, đường thủy. Nhà máy sản xuất xong thiếu hoặc không có ghe, sà lan giao lên cảng. Trong khi khách quốc tế vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp không giao hàng được.
Trước tình hình trên, Hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA kiến nghị, các địa phương đặc biệt xem xét ưu tiên phân “luồng xanh”, xét nghiệm nhanh tại chốt cho các phương tiện vận chuyển lúa tươi từ cánh đồng về nhà máy sấy, gạo từ nhà máy ra các cảng xuất khẩu/khu vực tiêu thụ nội địa đang có nhu cầu nhiều.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp mong muốn tạo chính sách “luồng xanh” trong lưu thông lúa gạo đường thuỷ nội địa. Ngoài ra, kiến nghị được không ít doanh nghiệp chia sẻ còn là hỗ trợ về tài chính cho doanh nghiệp (tăng hạn mức vay, kéo dài thời hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay và giải ngân vốn nhanh) để hỗ trợ thu mua lúa.
Đề xuất địa phương có cơ chế cho lao động của nhà máy sản xuất lúa gạo được di chuyển trong giờ giới nghiêm (việc thu mua lúa gạo trong vùng dân cư không về kịp trước 18h; công nhân nhập lúa đến 22h).
Ngoài ra, vấn đề giá cước vận tải biển hiện ở mức quá cao, trong đó cước đi Mỹ hiện tới 15.000 USD/container - lớn hơn cả giá trị gạo. Do đó, VFA kiến nghị Bộ Công thương trao đổi với Cục Hàng hải để xem xét hạ cước giá tàu biển cho doanh nghiệp.
Theo Tổ Công tác đặc biệt, sau cuộc họp này, Bộ Công Thương sẽ tập trung tháo gỡ 3 khía cạnh vướng mắc hiện tại về sản xuất - lưu thông - xuất khẩu cho DN. Tuy nhiên về phía Hiệp hội và DN cần chủ động xây dựng quy trình 3 tại chỗ phù hợp tình hình của từng đơn vị và từng địa phương. Riêng vấn đề test Covid, Tổ Công tác đặc biệt sẽ đề xuất tạo các điểm test Covid nhanh tại chỗ để làm tăng tốc độ lưu thông cho DN.
Đại diện Tổ Công tác đặc biệt cũng đề xuất, DN gạo cần tham khảo kinh nghiệm của các hệ thống siêu thị, DN bình ổn thị trường nhằm chủ động trong tháo gỡ khó khăn vướng mắc lưu thông phân phối hàng hoá thiết yếu tại thị trường trong nước như liên hệ chặt chẽ với Tổ Công tác đặc biệt của các bộ, ngành, Sở Công Thương và chính quyền địa phương...
Hoài Thương (t/h)Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Chỉ thị số 12 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.