VFA: Xuất khẩu gạo năm 2021 vẫn duy trì tín hiệu lạc quan
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo, xuất khẩu gạo năm 2021 vẫn duy trì tín hiệu lạc quan cả về sản lượng và giá bán, do các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam tiếp tục ký hợp đồng mua gạo và giá gạo đang ở mức rất khả quan.
Sau khi sụt giảm vào quý I, xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 4/2021 có dấu hiệu khởi sắc trở lại. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 4, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng tốc với khối lượng ước đạt 700 nghìn tấn, trị giá 362 triệu USD, tăng mạnh 29,9% về lượng và tăng 24,5% về trị giá so với tháng 3/2021, đồng thời tăng 31,7% về lượng và tăng 36,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Hoạt động xuất khẩu gạo diễn ra khá sôi động trong tháng 4/2021 sau khi nguồn cung từ vụ Đông Xuân được đưa vào thị trường và nhu cầu từ Philippines, Ghana và Bangladesh… tăng trở lại. Tuy nhiên, tính chung 4 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu gạo của nước ta vẫn giảm 10,8% về lượng và tăng 1,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020, ước đạt 1,89 triệu tấn, trị giá 1,01 tỷ USD.
Tình trạng thiếu hụt container rỗng và giá cước vận chuyển tăng cao đã ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2021. Ngoài ra, xuất khẩu gạo cũng gặp không ít khó khăn khi Ấn Độ tăng cường bán ra mức giá cạnh tranh. Khối lượng xuất khẩu giảm, nhưng bù lại giá gạo đã tăng khá mạnh trong những tháng đầu năm nay.
Bình quân giá xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm đạt 534 USD một tấn. So với mức giá xuất khẩu trung bình năm 2020 là 499 USD một tấn, thì mỗi tấn gạo Việt xuất đi trong thời gian đầu năm tăng thêm 35 USD, tương đương 13,4%. Cùng với sự gia tăng về giá, xuất khẩu các mặt hàng gạo thơm có giá trị cao như ST24 và ST25 cũng đạt mức tăng trưởng hết sức ấn tượng.
Theo các nguồn tin thu thập được, đã có khoảng 12 nghìn tấn gạo ST24 và 2,3 nghìn tấn gạo ST25 xuất khẩu trong trong 4 tháng đầu năm 2021, vượt xa con số 7 nghìn tấn gạo ST24 và 1,3 nghìn tấn gạo ST25 xuất khẩu trong cả năm 2020. Hiện nay, gạo ST24 phần lớn được xuất khẩu sang Trung Quốc và gạo ST25 xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Mỹ.
Những năm gần đây, sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam đã dần chuyển dịch, nâng cao tỷ lệ sản xuất các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao. Cùng với đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đang ngày càng chú trọng đến việc nâng cao chất lượng, truy xuất nguồn gốc và hướng tới đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường xuất khẩu như EU, Hàn Quốc, Mỹ… Đây là một trong các yếu tố đã giúp nâng cao sức cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam.
Trong thời gian tới, Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn duy trì tín hiệu lạc quan cả về sản lượng và giá bán nhờ các hợp đồng mua gạo từ các thị trường như Philippines, Hàn Quốc, Trung Quốc... Hiện Philippines, Trung Quốc, Malaysia, châu Phi... là những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Theo kế hoạch của ngành nông nghiệp, năm nay Việt Nam sản xuất khoảng 43 triệu tấn thóc, ngoài số lượng dành cho tiêu dùng trong nước, dự trữ... thì còn dư khoảng 6-6,5 triệu tấn gạo xuất khẩu. Với những nỗ lực hỗ trợ của các cơ quan ban ngành và sự vươn lên vững chắc của doanh nghiệp xuất khẩu gạo, kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu gạo năm 2021 sẽ đạt được con số tăng trưởng ấn tượng.
Huyền My (T/h)Giá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.