VFS gợi ý 6 chủ đề cho đầu tư chứng khoán và nhóm ngành đón sóng trong năm 2022
Với kỳ vọng các doanh nghiệp Việt sẽ có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ hơn, VFS định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ còn được chiết khấu về mức giá hấp dẫn hơn nữa trong năm 2022
Báo cáo triển vọng thị trường mới đây của Chứng khoán Nhất Việt (VFS) cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang được định giá ở mức hợp lý. Đồng thời, với kỳ vọng về việc các doanh nghiệp Việt sẽ có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong bối cảnh kinh tế vĩ mô 2022 khởi sắc cũng như tăng trưởng từ mức nền thấp của năm 2021, định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được chiết khấu về mức giá hấp dẫn hơn nữa. Trong năm 2022, VFS dự báo VN-Index sẽ ở quanh vùng 1.600 điểm.
Từ đây, VFS đưa ra 6 chủ đề đầu tư tiềm năng trong năm 2022.
Xu hướng phục hồi sản xuất và tiêu dùng trong điều kiện bình thường mới
VFS đánh giá chỉ số PMI ngành sản xuất của Việt Nam đã tăng trở lại trên ngưỡng 50 điểm trong quý 4 năm 2021. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng giúp sản lượng ngành sản xuất tiếp tục tăng; số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng với tốc độ tăng nhanh hơn. Trong khi đó, việc nền kinh tế mở cửa trở lại sẽ giúp nhu cầu tiêu dùng tăng lên nhờ tác động dồn nén của nhu cầu trong giai đoạn giãn cách xã hội và sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam. Các doanh nghiệp phân phối và kinh doanh hàng điện tử là những nhân tố ít bị ảnh hưởng trong bối cảnh dịch bệnh khi nhu cầu làm việc và xu hướng mua sắm online gia tăng.
Theo đó, VFS cho rằng ngành bán lẻ có xu hướng hồi phục nhờ kỳ vọng Việt Nam sẽ không xảy ra các đợt giãn cách xã hội trên diện rộng trong năm 2022 - điều vốn gây tổn hại các công ty bán lẻ và nhà phân phối trong Q3/21 vừa qua. Đồng thời, nhu cầu tiêu dùng cũng sẽ tăng lên khi người lao động đã bắt đầu quay trở lại các doanh nghiệp làm việc tạo ra thu nhập.
Việc đẩy mạnh đầu tư công sẽ tạo "cú hích" cho phục hồi kinh tế
Nhìn lại năm 2021, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư của cả nước ước chỉ đạt khoảng 85% kế hoạch, nguyên nhân do dịch Covid-19, cùng với đó là giá nguyên, vật liệu xây dựng tăng cao và kéo dài (lên đến 30 – 40%) đã làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.
Sang năm 2022, từ các chính sách nhằm thúc đẩy giải ngân vốn ngân sách, VFS dự phóng đầu tư công thực hiện cả năm có thể đạt khoảng 2.684 nghìn tỷ đồng (đạt 90% kế hoạch được giao) và hướng đến đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện các dự án giao thông trọng điểm đã bắt đầu triển khai bao gồm 6 dự án đường bộ và 2 dự án đường thủy.
VFS đưa ra kỳ vọng tích cực đối với doanh nghiệp xây dựng, xây lắp, hạ tầng đang niêm yết nhờ việc hưởng lợi trong làn sóng đầu tư công của Chính phủ.
Xu hướng hội nhập quốc tế, đặc biệt liên quan đến ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do
Trong hai năm qua, 15 FTA được thực thi cho phép hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng thuế suất ưu đãi khi tiếp cận thị trường ở trên 50 quốc gia, chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Từ đó, kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta năm 2020 vẫn đạt trên 545 tỷ USD, dự báo năm 2021 sẽ vượt mốc 660 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế.
Từ ngày 1/1/2022, hiệp định RCEP sẽ chính thức có hiệu lực. Điều này mở ra khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới, đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế của Việt Nam, đồng thời mang lại nhiều lợi ích cả trong ngắn hạn cũng như dài hạn.
Xu hướng thay đổi thói quen từ tiêu dùng trực tiếp sang tiêu dùng online
Hiện nay, tỷ lệ người tiêu dùng sử dụng dịch vụ mua hàng online ngày càng gia tăng và dần trở thành xu hướng. Việt Nam được kỳ vọng là thị trường có tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử (eCommerce GMV) ước đạt con số 56 tỷ USD vào năm 2026, tăng 4,5 lần so với giá trị ước tính của năm 2021.
Như vậy, dịch Covid 19 không chỉ là cơ hội cho thương mại điện tử phát triển, mà VFS còn cho đây chính là cú hích đã thay đổi hành vi người tiêu dùng và tiếp tục trong tương lai. Một số ngành sẽ được hưởng lợi nhờ xu hướng này: bán lẻ, công nghệ thông tin, logistic.
Xu hướng phát triển năng lượng tái tạo
Mới đây, đã có 40 quốc gia, bao gồm Việt Nam, cam kết loại bỏ điện than - -chiếm khoảng 37% tổng điện năng trên thế giới trong năm 2019 - và là nhiên liệu đóng góp lớn nhất vào biến đổi khí hậu. Riêng Việt Nam cam kết mạnh mẽ đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trong bối cảnh nền kinh tế dự báo vẫn tiếp tục tăng trưởng cao (8%-9%/năm) thì nguồn điện đến từ than đá cần được giảm tải, tạo nên dư địa phát triển lớn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu và Việt Nam tiếp tục đón đầu làn sóng FDI.
Tính đến hết năm 2021 ước tính lượng vốn FDI vào Việt Nam lên đến 31,15 tỷ USD, tương ứng tăng 9,2% so với cùng kỳ bất chấp các diễn biến tiêu cực của đại dịch. Mặc dù số dự án cấp mới giảm 31,1% nhưng các dự án mới đều là các dự án lớn về nguồn vốn đầu tư cũng như chất lượng dự án cao hơn.
VFS dự báo Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn cho nhà đầu tư nhờ vào môi trường đầu tư thân thiện với vốn ngoại; trong khi chi phí nhân lực ở mức hấp dẫn và vị trí địa lý phù hợp với việc xuất nhập khẩu hàng hóa với đường bờ biển dài là cửa ngõ của Đông Nam Á, đặc biệt với đường biên giới sát với Trung Quốc.
Xu hướng này được cho sẽ tiếp diễn và tiếp tục trong tương lai và những ngành sẽ được hưởng lợi nhờ xu hướng này gồm bất động sản khu công nghiệp và logistic.
Khởi đầu năm 2025, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long sẽ tiếp đón gần 16.000 khách quốc tế đến tham quan Quảng Ninh trong tháng 1 với 11 chuyến tàu biển đến từ các thương hiệu cao cấp. Đây là những tín hiệu lạc quan cho thấy đóng góp quan trọng của du lịch tàu biển trong cơ cấu phát triển ngành du lịch Quảng Ninh.