Vì đâu chi phí Logistics của Việt Nam chiếm tới gần 17% GDP và lời giải từ Viettel Post, Abivin
"Các bài học thành công chia sẻ từ Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam, Viettel Post, rồi Abivin đều nói đem lại hiệu quả rất cao. Vậy vì đâu mà chi phí Logistics vẫn chiếm gần 17% GDP và cao hơn rất nhiều mức trung bình của thế giới? Nói nôm na là vì sao em cái gì cũng đẹp mà vẫn chưa lấy được chồng?", TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh - đặt vấn đề.
Chia sẻ tại sự kiện "Chuyển đổi số trong Logistics" trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin – truyền thông Việt Nam 2020, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, thuật ngữ Logistics bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam chừng 5 - 7 năm, và gần đây trở thành một từ rất hot, chiếm khoảng 20% GDP.
Theo tính toán mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), ước tính chi phí Logistics theo GDP là khoảng 16,8%, tương đương với giá trị khoảng 42 tỷ USD.
"Đây là mức cao hơn rất nhiều mức trung bình của thế giới", TS. Thành nhận định.
Ông đặt ra vấn đề với đại diện cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp hàng đầu lẫn startup trong lĩnh vực Logistics rằng vì đâu bài học thành công khi áp dụng công nghệ được trình bày là rất hiệu quả, mà chi phí Logistics ở Việt Nam vẫn quá cao?
"Chúng ta cứ loanh quanh đi giải quyết sự vụ, mà dường như chưa có một định hướng tổng thể".
Ông Bùi Bá Nghiêm – Đại diện Cục Xuất Nhập Khẩu, Bộ Công Thương
Chia sẻ với quan điểm cá nhân, ông Nghiêm cho biết để nói chi phí Logistics cao, trước hết phải hiểu chi phí Logistics gồm những cấu phần nào và cao ở đâu.
Theo ông Nghiêm, chi phí logistics trên thế giới thường được tính theo công thức với 3 nhóm thành phần: Chi phí vận tải, Chi phí lưu kho và Chi phí hành chính. Trong nhóm thành phần ấy, có rất nhiều yếu tố cấu thành và mỗi quốc gia tính lại dùng những yếu tố cấu thành trong 3 thành phần ấy gia giảm khác nhau.
"Chúng ta loanh quanh trong chuyện bàn giải pháp, và cứ đi giải quyết sự vụ mà dường như chưa có một định hướng tổng thể. Thực tế, Việt Nam cho đến hnay chưa có một chiến lược phát triển về ngành Logistics. Tôi kiến nghị các ngành, cấp, trình báo cáo Chính phủ khẩn trương xây dựng một chiến lược phát triển Logistics", ông Nghiêm nói.
Còn với câu chuyện phí Logistics cao, ông Nghiêm cho biết theo tìm hiểu, vướng mắc trong chi phí logistics của Việt Nam hiện nay đang nằm ở khâu vận tải. Chi phí vận tải chiếm khoảng 50-60% trong chi phí Logistics, vì liên quan đến giá trị hàng hóa, hạ tầng cơ sở...
"Có quy hoạch Logistics phù hợp sẽ cắt giảm được 50 - 60% chi phí".
Ông Nguyễn Hoàng Long - Phó Tổng giám đốc Viettel Post
Phó Tổng giám đốc Viettel Post cho rằng khi phân rõ các doanh nghiệp làm Logistics rõ ràng thành đơn vị như vận tải, kho bãi, công nghệ, thì ông nhìn thấy 3 điểm:
1- Sự quy hoạch: Chắc chắn cần sự hỗ trợ từ Chính phủ.
"Vận tải chi phí cao vì chúng ta không có quy hoạch. Đường đi thì nhiều, xe dùng nhiều và lãng phí. Quan trọng nhất là vị trí kho bãi phải có quy hoạch ở tầm quốc gia".
"Trên thế giới, Singapore, Trung Quốc, Mỹ, Châu Âu... đều có Logistics Park, tức đều có quy hoạch của Chính phủ về "công viên Logistics" hay khu công nghiệp dành cho Logistics. Đơn vị nào làm ở cảng biển, đơn vị nào làm ở khu công nghiệp, các đường vành đai, đường chính, đầu tư đất như thế nào? Và chi phí đầu tư đất phải được giảm bớt", ông Long khuyến nghị.
Ông Long cho rằng giá đất ở Việt Nam đang ở "trên trời". Bản thân Viettel Post đang phải đi thuê đất, và chi phí thuê đất rất cao. Nếu có một quy hoạch phù hợp, ông Long cho rằng sẽ cắt giảm được 50-60% chi phí
2- Sự lãng phí vận tải: Đường sá chật hẹp, tắc đường. Xe rất nhiều, nhưng chi phí rất lớn vì lãng phí.
"Theo Thống kê từ Tổng cục đường bộ trên 70% xe rỗng chuyến chiều về, gần như không có vận tải và không tối ưu đc ở những khâu như thế. Để xử lý được việc ấy cần 2 yếu tố: Có sự hỗ trợ của Chính phủ liên quan đến câu chuyện quy hoạch của ngành giao thông vận tải; và Có sự đầu tư về công nghệ để có sự kết nối giữa các doanh nghiệp, chia sẻ nguồn lực dùng chung. Khi một doanh nghiệp nào đầu tư nền tảng, tất cả doanh nghiệp khác follow", ông Long nói.
3- Liên quan đến cơ chế, cơ chế Chính phủ có thể hỗ trợ các đơn vị công nghệ, đầu tư khởi nghiệp công nghệ giống như Abivin, Smartlog... Các công ty công nghệ khi đầu tư vào Logistics có những ưu đãi gì để giúp các doanh nghiệp chuyển đổi số, tối ưu và tạo platform?
"Từng mắt xích trong chuỗi Logistics chưa hiệu quả".
Bà Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc điều hành và Đồng sáng lập Công ty Abivin
Cofounder Abivin cho rằng nhìn ở góc độ vi mô, một trong những lý do mà chi phí dành cho cả chuỗi mắt xích Logistics cao bởi vì từng mắt xích cũng chưa hiệu quả. Tức là các doanh nghiệp Logistics vận hành chưa hiệu quả.
"Làm thế nào cắt giảm được chi phí Logistics? Cá nhân từ điểm nhìn của Abivin thì lời giải sẽ là làm thế nào để giúp từng mắt xích đấy hoạt động một cách hiệu quả nhất, tiết kiệm được chi phí vận tải trong vận hành".
"Chi phí ấy mọi người chia sẻ do xe rỗng chiều về rất nhiều, nhưng bản chất việc vận hành thực tế cho thấy các mắt xích ở Việt Nam trong chuỗi cung ứng chưa hiệu quả so với các nước như các quốc gia Châu Âu, Mỹ, Úc hay New Zealand - những nước rất phát triển về Logistics với chi phí rất thấp khi các doanh nghiệp đều ứng dụng công nghệ cao, và vận hành một cách tối ưu trong quy trình vận hành của mình để tiết kiệm chi phí", Giám đốc điều hành Abivin cho biết.
Ông Lê Quang Trung- Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam
Lý giải cho chi phí Logistics cao, ông Trung nêu ra 3 lý do:
- Lãng phí nguồn lực, khả năng kết nối chưa cao;
- Chưa thực sự tạo nên một chuỗi Logistics để tiết kiệm chi phí;
- Kiến nghị cải thiện khuôn khổ luật pháp.
"Chuỗi Logistics chúng ta đang nói đến không phải lợi ích của một cá nhân mà là vấn đề tổng thể của một loạt hoạt động của các doanh nghiệp khác nhau".
"Chúng tôi nhìn nhận niềm vui, hạnh phúc của đơn vị này là "niềm đau" của đơn vị khác. Nhiều đơn vị khi đến nhận hàng muốn tôi giảm chi phí ở cảng, nhưng rõ ràng ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của cảng, mà cảng cũng nằm trong hệ thống logistics quốc gia đấy chứ!", ông Trung nói.
Ông cho biết với 1 tấn ngô, hiện chi phí ở cảng của Tổng Công ty Hàng hải là 80.000 đồng, tương đương 2,5 USD. Nhưng khối lượng hàng hóa đấy với những thiết bị tương đồng, thì ở cảng Panama là 25 USD.
"Vậy đâu là điểm công bằng?", ông Trung nói.
CITC hoạt động trong 3 lĩnh vực chính: Vận tải biển, cảng biển và khai thấc dịch vụ hỗ trợ hàng hải. CITC hiện đang quản lý và sở hữu 16 cảng trên cả nước, một trong những cảng được đơn vị này nhắc tới nhiều là Cảng Container Quốc tế Cái Lân.
Phản hồi ý kiến của ông Trung, TS. Thành cho rằng thị trường chưa hẳn là cuộc chơi người này thắng, người kia thua cuộc. Khi một chiếc bánh to ra thì tất cả các bên sẽ đều là bên "được".
Bảo BảoDự kiến từ đầu năm 2025, ngành thuế sẽ nâng cấp ứng dụng hỗ trợ cá nhân kê khai thuế điện tử, tự động hỗ trợ toàn bộ việc quyết toán thuế, hoàn thuế thu nhập cá nhân cho người nộp thuế.