Vì đâu giá nhà TP.HCM cao gấp rưỡi nhà Hà Nội, trong dịch bệnh giá vẫn tăng?
Trong khi giá nhà mua trực tiếp từ chủ đầu tư tại Hà Nội bình ổn ở mức 35,9 triệu đồng/m2, giá nhà tại TP.HCM tiếp tục tăng lên mức 59 triệu đồng/m2 (chưa gồm VAT và phí bảo trì). Một trong 3 nguyên nhân Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn đưa ra, thì do tâm lý và thói quen: Trong khi người Sài Gòn quen ở chung cư thì người Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung ưa đầu tư vào đất nền...
Giá rao bán nhà tại TPHCM đang ở mức 45,4 triệu đồng/m2 với phân khúc trung cấp và 63,9 triệu đồng/m2 với phân khúc cao. TPHCM không còn căn hộ bình dân, theo dữ liệu từ Batdongsan.com.vn.
Tại thị trường Hà Nội, phân khúc bình dân được rao bán trung bình ở mức 26,3 triệu đồng/m2, căn hộ trung cấp được rao ở mức 34,7 triệu đồng/m2 và cao cấp ở mức 46,8 triệu đồng/m2.
"Mặt bằng giá chung cư tại TPHCM cao hơn so với thị trường Hà Nội ở tất cả phân khúc. Thậm chí ở Hà Nội, chúng ta nhắc tới phân khúc cao cấp ở mức giá 45 - 50 triệu đồng/m2, nhưng thực chất chỉ tương đương mức trung cấp ở TPHCM", ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn - nhận định.
Nguồn: Batdongsan.com.vn.
Theo báo cáo của JLL, nếu như thị trường căn hộ chung cư Hà Nội Quý 2/2021 có giá bán sơ cấp duy trì mức ổn định, ở mức 35,9 triệu đồng/m2 thì tại TPHCM, chủ đầu tư tự tin tăng giá trung bình/dự án lên 4 - 5% so với cùng kỳ năm ngoái, ở mức 59 triệu đồng/m2 (không bao gồm VAT và phí bảo trì). Với mức tăng giá này (tạm bỏ yếu tố giá tăng vọt từ dự án siêu sang với giá 4.905 USD/m2 - tương đương 112.8 triệu đồng/m2), giá nhà tại TPHCM hiện cao gấp 1,6 lần giá nhà Hà Nội.
Vì sao giá nhà TPHCM luôn cao hơn Hà Nội?
Ông Quốc Anh cho rằng có 3 nguyên nhân.
Một, do tỷ lệ đô thị hóa của TPHCM cao hơn Hà Nội.
Nếu như tốc độ đô thị hóa ở TPHCM trên 70% thì ở Hà Nội, mức này mới ở khoảng 49%, cho nên quỹ đất vẫn còn rất rộng so với TPHCM.
Khi tốc độ đô thị hóa cao, người dân đến sinh sống đông đúc, thì chung cư trở thành một loại hình bất động sản rất được ưa chuộng do mức giá đáp ứng đa phần nhu cầu, và môi trường sống đảm bảo an toàn và văn minh. Cho nên tại TPHCM, thói quen ở nhà chung cư dẫn đến việc mua hay cho thuê chung cư trong TPHCM tốt hơn ở Hà Nội. Do vậy, bất chấp dịch bệnh, giá chung cư TPHCM vẫn tiếp tục tăng.
"Các chủ đầu tư TPHCM thậm chí có chiến lược mới, đẩy mạnh phát triển các dự án tại các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An… Một là do nguồn cung hạn chế tại TPHCM, 2 là yếu tố pháp lý thông thoáng hơn ở các tỉnh nói trên, đẩy mặt bằng giá lên rất cao".
"Tôi nhận thấy mặt bằng giá tại Bình Dương trong một năm vừa rồi tăng lên 30%. Tức, hiện tại giá chung cư ở Bình Dương tương đương với giá khu vực phía tây Hà Nội - một khu vực rất sôi động với mức giá trung bình 35 - 40 triệu đồng/m2. Rất bất ngờ", ông Quốc Anh phân tích.
Lý do thứ hai, theo ông Quốc Anh, là do thói quen đầu tư. Trong khi người Sài Gòn quen ở chung cư thì người Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung ưa đầu tư vào đất nền.
"Điều đó thể hiện rõ trong giai đoạn dịch. Dòng tiền lớn quay trở lại Hà Nội, tập trung đầu tư vào nhà riêng và đất xung quanh khu vực phía Bắc, chứ chung cư không lên giá. Điều đó thể hiện thói quen người miền Bắc tập trung đầu tư vào đất nhiều", ông Quốc Anh nói.
Nguyên nhân thứ ba là tỷ suất lợi nhuận cho thuê chung cư tại TPHCM tốt hơn nhiều so với ở Hà Nội.
Tuy nhiên, thị trường chung cư Hà Nội lại có ưu thế hơn về nguồn cung và yếu tố pháp lý. Nhà đầu tư tại Hà Nội có nhiều lựa chọn, chủ đầu tư cũng có nhiều chính sách ưu đãi tốt cho người mua. Yếu tố pháp lý cũng là một trong những yếu tố một mặt hạn chế nguồn cung, một mặt khiến giá chung cư ở TPHCM luôn cao hơn giá chung cư ở Hà Nội.
Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.