Ví điện tử trên Hue-S được vinh danh tại Giải thưởng Sao Khuê 2023

Doanh nghiệp
02:56 PM 30/04/2023

Mới đây, tại Thủ đô Hà Nội, Lễ kỷ niệm 20 năm Giải thưởng Sao Khuê, Vinh danh và trao Giải thưởng Sao Khuê 2023 đã được tổ chức. Theo đó, giải pháp thanh toán số liền mạch trên ứng dụng Hue-S được bình chọn là giải pháp xuất sắc của ngành phần mềm, công nghệ thông tin Việt Nam và được công nhận đạt Giải thưởng Sao Khuê 2023 trong lĩnh vực Chuyển đổi số.

Giải thưởng Sao Khuê là giải thưởng uy tín được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) đánh giá cho các sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu nhất của ngành phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam. Các sản phẩm, dịch vụ được trao giải thưởng Sao Khuê có chất lượng, hiệu quả vượt trội luôn được khách hàng tin tưởng, lựa chọn, tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.

Ví điện tử trên Hue-S vinh danh tại Giải thưởng Sao Khuê 2023. - Ảnh 1.

Giải pháp thanh toán số liền mạch trên ứng dụng Hue-S đạt Giải thưởng Sao Khuê 2023

Giải thưởng Sao Khuê năm 2023 vinh danh 182 doanh nghiệp, nền tảng, sản phẩm tiêu biểu bao gồm: 15 nền tảng số, 22 dịch vụ giải pháp công nghệ tiên phong, 2 Startup số, 38 dịch vụ, và 105 giải pháp số xuất sắc. Đặc biệt, 11 đề cử được xếp hạng Sao Khuê 5 sao và 10 đề cử xuất sắc được trao Top 10 Giải thưởng Sao Khuê 2023. Trong đó, ví điện tử trên Hue-S được bình chọn là giải pháp số xuất sắc tại nhóm lĩnh vực các nền tảng Chuyển đổi số.

Theo Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 12/11/2021 về chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Thừa Thiên Huế đặt ra mục tiêu năm 2025: nâng tỷ trọng đóng góp của kinh tế số từ 15% đến 20% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP); 50% người dùng thiết bị di động được tiếp cận với các dịch vụ chính quyền điện tử, các dịch vụ thông minh và giao tiếp trên môi trường mạng. Đồng thời, xây dựng Hue-S thành nền tảng phổ biến trong kết nối hệ sinh thái xã hội số tỉnh Thừa Thiên Huế. 

Ví điện tử trên Hue-S vinh danh tại Giải thưởng Sao Khuê 2023. - Ảnh 2.

Ví điện tử trên ứng dụng Hue-S

Trong công cuộc thúc đẩy chuyển đổi số của tỉnh nhà, Thừa Thiên Huế đã triển khai siêu ứng dụng trên nền tảng di động Hue-S tích hợp đa dạng các dịch vụ đô thị thông minh tạo ra nhiều bước đột phá đáng kể như giúp chính quyền địa phương xử lý nhanh chóng mọi vướng mắc của người dân, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và nguồn nhân lực. Không dừng lại ở đó, tỉnh Thừa Thiên Huế còn tiếp tục triển khai giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt qua ví điện tử trên nền tảng Hue-S. 

Giải pháp thanh toán số liền mạch trên Hue-S là kết quả ban đầu của nội dung hợp tác chuyển đổi số giữa UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Tập đoàn FPT, được ký kết trong Tuần lễ Chuyển đổi số Thừa Thiên Huế tháng 8/2022. Với phương châm may đo giải pháp phù hợp với nhu cầu thực tế tại địa phương, ví điện tử được "nhúng" ngay trên Hue-S – một ứng dụng được người dân Thừa Thiên Huế sử dụng hàng ngày. 

Ví điện tử trên Hue-S vinh danh tại Giải thưởng Sao Khuê 2023. - Ảnh 3.

Tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn sử dụng ví điện tử trên Hue-S.

Ví điện tử trên Hue-S là giải pháp thanh toán số liền mạch, kết nối với 40 ngân hàng, cho phép người dùng dễ dàng thực hiện các giao dịch mà không cần chuyển tiếp qua bất cứ ứng dụng trung gian khác như chuyển tiền, nạp/rút tiền và thanh toán các dịch vụ thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày như: điện, nước, internet, truyền hình, phí đường bộ, điện thoại trả sau... 

Với phương châm mở Hue-S là có ví, các bước đăng ký tài khoản ví điện tử, liên kết thẻ thanh toán trên Hue-S cũng diễn ra đơn giản, nhanh chóng, bảo mật và hoàn toàn miễn phí. Tính năng quét mã QR trên Hue-S đã được hợp nhất với tính năng thanh toán, cho phép người dùng có thể quét mã QR để mua sắm tại hơn 200.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc.

Ví điện tử trên Hue-S vinh danh tại Giải thưởng Sao Khuê 2023. - Ảnh 4.

Người dân thanh toán bằng ví điện tử khi mua sắm.

Đặc biệt khi thanh toán qua ví điện tử, người dân hoàn toàn yên tâm khi thực hiện các giao dịch bởi các dịch vụ được tích hợp luôn đảm bảo tính chính thống và bảo vệ tối đa người dùng. Hơn nữa, giải pháp này sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí so với các hình thức giao dịch truyền thống, tránh rủi ro, bất cập cho người dân mà không cần tải quá nhiều ứng dụng trên điện thoại của mình. 

Đội ngũ chuyên gia công nghệ của Sở Thông tin và Truyền thông cùng FPT Telecom tiếp tục tối ưu các tính năng tạo trải nghiệm thuận tiện cho khách hàng, đồng thời bổ sung tiện ích mới như thanh toán các dịch vụ địa phương (nước, vệ sinh môi trường, dịch vụ hành chính công, taxi…). Cũng trên nền tảng Hue-S, thời gian tới sẽ cho ra mắt tính năng viện phí online với mục tiêu giúp bệnh nhân và người nhà có thể làm thủ tục nhập viện, ra viện, thanh toán viện phí ở bất cứ đâu và bất cứ lúc nào.

Song song với việc triển khai kỹ thuật, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đồng hành cùng FPT Telecom trong các hoạt động tập huấn, truyền thông nhằm khuyến khích người dân đăng ký tài khoản ví, kêu gọi doanh nghiệp chấp nhận thanh toán với Hue-S, qua đó giúp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên toàn tỉnh. Tính đến nay, Hue-S đã có hơn 30.000 người mở ví điện tử và hơn 500 điểm chấp nhận thanh toán trên địa bàn tỉnh.

Lê Dung
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.