Vi phạm an ninh hàng không được ngăn chặn, xử lý kịp thời
Trong 7 tháng qua đã xảy ra 301 vụ vi phạm an ninh hàng không. Cục Hàng không Việt Nam đã phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, không để phát sinh thiệt hại nghiêm trọng ảnh hưởng an toàn hàng không.
Những tháng đầu năm 2020, kinh tế đất nước tuy vẫn tiếp tục tăng trưởng, nhưng theo thống kê, GDP thời gian qua chỉ đạt mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ của những năm giai đoạn 2011-2020. Đặc biệt, trong những tháng đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu, và hàng không là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Trong 7 tháng năm 2020, hàng không thế giới vẫn xảy ra nhiều vụ mất an ninh, an toàn bay. Đây cũng là lĩnh vực các nhóm khủng bố, tổ chức tội phạm quốc tế luôn nhắm đến khi thực hiện hành vi phá hoại, khủng bố.
Theo đó, sáng 25/08/2020, tại Trụ sở Chính phủ Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 7 tháng năm 2020.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị các đại biểu đánh giá về kết quả công tác phối hợp bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn hàng không dân dụng nói chung, đồng thời rà soát, đánh giá kết quả công tác 7 tháng năm 2020, đề ra nhiệm vụ, phương hướng công tác trọng tâm những tháng cuối năm của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia.
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, Chánh Văn phòng Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia cho biết, dịch COVID-19 đã gây thiệt hại lớn cho các hãng hàng không thế giới, tần suất bay giảm, nhiều quốc gia cấm hoàn toàn các đường bay quốc tế. Đối với Việt Nam, các doanh nghiệp hàng không chịu thiệt hại nặng nề, tất cả các chỉ số đều giảm sâu.
Về sản lượng điều hành bay đi và đến giảm đến 37% so với cùng kỳ, bay quá cảnh giảm 62% so với cùng kỳ. Sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đạt 43 triệu khách, giảm 37,5%. Vận chuyển hàng hoá đạt 169.000 tấn, giảm 31,4%.
Công tác kiểm tra an ninh các chuyến bay, bảo vệ khu vực hạn chế, duy trì trật tự nhà ga được đảm bảo tốt. Thường xuyên duy trì lực lượng kiểm soát an ninh hàng không tại các vị trí cổng cửa, lối đi ra/vào khu bay. Thực hiện kiểm tra chặt chẽ đúng quy trình, quy định đối với người, đồ vật và phương tiện, trang thiết bị ra/vào khu bay. Phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời đối với các trường hợp vi phạm quy định an ninh hàng không tại các cổng, cửa ra/vào khu bay, các trường hợp xâm nhập bất hợp pháp.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong 7 tháng qua đã xảy ra 301 vụ vi phạm an ninh hàng không, giảm 102 vụ so với cùng kỳ 2019. Trong đó, nổi cộm là các vụ việc trộm cắp tài sản, hành lý, hàng hóa; vi phạm quy định về sử dụng giấy tờ đi tàu bay, thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh hàng không; gây rối trật tự, đe dọa, hành hung nhân viên hàng không; mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vật phẩm nguy hiểm trái quy định.
Nhìn chung, các vụ việc vi phạm an ninh hàng không đã được ngăn chặn, xử lý kịp thời, không để phát sinh thiệt hại nghiêm trọng ảnh hưởng an toàn hàng không. Sau khi các vụ việc xảy ra, Cục Hàng không dân dụng đã chủ trì, tổ chức bình giảng, rút kinh nghiệm, ban hành các quyết định xử phạt và các biện pháp xử lý hành chính theo đúng quy định.
Mai ChiSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.