Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm có thể bị xử phạt từ 1 đến 20 năm tù

Sự kiện
02:13 PM 01/09/2020

Liên quan đến vụ pate Minh chay chứa độc tố gây nguy hiểm tính mạng, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, hành vi vi phạm về lĩnh vực an toàn thực phẩm có thể bị xử phạt từ 1 đến 20 năm tù.

Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, từ giữa tháng 7 cho đến ngày 31/8, đã xuất hiện rải rác 19 ca bệnh phải điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (10 ca bệnh), tại Bệnh viện Chợ Rẫy (06 ca) và Bệnh viện Nhiệt Đới TP. Hồ Chí Minh (02 ca), Bệnh viện Nhân dân 115 (01 ca) từ một số tỉnh/thành phố trong cả nước với triệu chứng mệt mỏi, sụp mi mắt, tứ chi yếu cơ, khó nuốt, liệt cơ, khó thở. Hầu hết các ca bệnh đều trong tình trạng rất nặng, phải thở máy.

Qua điều tra cho thấy các bệnh nhân đều sử dụng sản phẩm Pate Minh Chay của Công ty TNHH Hai Thành viên Lối sống mới (Địa chỉ tại Tổ 2, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội) do bà Nguyễn Thị Thùy Trang là chủ sở hữu. Công ty đăng ký kinh doanh ngành nghề chế biến thực phẩm chay, rang và đóng gói muối vừng các loại.

Kết quả kiểm nghiệm ban đầu một số lô pate Minh Chay khác nhau đã phát hiện vi khuẩn Clostridium botulinum typ B. Đây là vi khuẩn kị khí tuyệt đối, sinh bào tử. Điều đáng nói độc tố của vi khuẩn Clostridium botulinum có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ tử vong.

Theo tin từ báo Tuổi Trẻ, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM rà soát thấy có tất cả 13 sản phẩm của Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới đang lưu hành trên thị trường gồm pate Minh Chay, pate nấm hầu thủ, ruốc nấm Heri vị hảo hạng, muối vừng bát bảo đặc biệt, ruốc nấm Heri Hương thảo mộc, giò lụa lúa mì, muối lạc truyền thống, chả quế lúa mì, muối vừng bát bảo, giò nấm lúa mì, ruốc nấm truyền thống, ruốc nấm sả ớt, ruốc nấm cháy tỏi.

Ban quản lý An toàn thực phẩm TP HCM yêu cầu 24 quận, huyện cảnh báo khẩn cấp cho người tiêu dùng trên địa bàn tạm thời không mua, không sử dụng các sản phẩm của Công ty TNHH hai thành viên Lối sống mới, thông báo cho cơ quan chức năng y tế tại địa phương nếu còn sản phẩm.

Sáng 31/8, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM, cho biết theo số liệu sơ bộ TP HCM có 1.290 khách hàng đã mua sản phẩm Minh Chay của Công ty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới (Hà Nội) trong 2 tháng 7 và 8 vừa qua.

Vụ ngộ độc khi dùng Pate Minh Chay đến giờ chưa dẫn tới trường hợp đáng tiếc là có người tử vong dù độc lực của vi khuẩn trong thực phẩm "bẩn" này rất mạnh. Song trường hợp này một lần nữa đặt ra vấn đề mất an toàn thực phẩm, nói cách khác là thực phẩm "bẩn", vốn là một vấn đề nan giải lâu nay ở nước ta.

Trao đổi trên báo Lao Động, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, vi khuẩn  gây ngộ độc có trong pate Minh Chay có thể sinh ra do chế biến không đảm bảo, rồi phát triển trong quá trình bảo quản lâu dài và sinh ra độc tố, gây hại khi đến tay người tiêu dùng.

Theo ông, trong môi trường sản xuất có vi khuẩn, khi sản xuất lại thanh trùng sản phẩm không cẩn thận, vì vậy trong quá trình bảo quản và tiêu dùng thì vi khuẩn đã sinh sôi, phát triển và sinh ra độc tố. Loại vi khuẩn này phát triển trong môi trường giàu protein, có trong nhiều loại sản phẩm không chỉ sản phẩm chay.

Nếu chế biến và bảo quản tốt sẽ không có. Nếu sản phẩm bị nhiễm vi khuẩn rồi có thể sinh ra độc tố mạnh, nếu nồng độ mạnh có thể gây chết người ngay lập tức, nồng độ thấp thì sẽ gây ngộ độc. "Vì vậy, khâu chế biến và bảo quản của sản phẩm này không tốt, rất đáng báo động", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh.

Về quy định của Pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) nêu quan điểm với báo Lao Động, hiện nay tình trạng ngộ độc thực phẩm diễn ra phổ biến khiến người tiêu dùng vô cùng hoang mang, lo lắng về an toàn vệ sinh thực thẩm và nó trở thành mối nguy hại lớn đối với sức khỏe của cộng đồng.

Theo Luật sư Cường, dưới góc độ pháp lý, Điều 8 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 thì người tiêu dùng có quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

Đồng thời, theo quy định tại Luật an toàn thực phẩm năm 2010 thì bảo đảm an toàn thực phẩm là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tổ chức, cá nhân cung cấp thực phẩm mà gây ngộ độc phải chịu toàn bộ chi phí điều trị cho người bị ngộ độc và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về dân sự theo quy định tại khoản 5 Điều 53 Luật an toàn thực phẩm.

Trong đó, các chi phí bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại.

Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại; Bồi thường tổn thất tinh thần, theo quy định tại Điều 590 BLHS.

Bên cạnh việc phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra cho khách hàng, các cá nhân, tổ chức cung cấp thực phẩm dẫn tới tình trạng ngộ độc cho khách hàng còn phải chịu các chế tài xử phạt từ các cơ quan có thẩm quyền.

Căn cứ vào tính chất, mức độ gây thiệt hại của hành vi vi phạm và hậu quả của hành vi thì các tổ chức, cá nhân này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định Bộ luật hình sự năm 2015.

Cụ thể, phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng đối với hành vi nhập khẩu, sản xuất, chế biến, cung cấp, bán thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định khoản 8 Điều 22 Nghị định 115/2018/NĐ-CP đối với hành vi quy định khác về bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, cung cấp thực phẩm.

Ngoài ra buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như Buộc thu hồi và tiêu hủy  thực phẩm không đảm bảo; Buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm theo quy định tại khoản 11 Điều luật này.

Trong trường hợp cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trị giá từ 10 - đến dưới 100 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 5 triệu đồng.

Cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết là có sử dụng chất, hóa chất, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trị giá từ 100 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng... thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm theo Điều 317 Bộ luật hình sự.

Tùy từng tính chất mức độ có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng, phạt tủ từ 1 năm đến cao nhất là 20 năm tù.

Thủy Phạm (T/h)
Ý kiến của bạn