Vì sao 12 dự án lớn vẫn chậm giải ngân 4.118 tỷ đồng vốn đầu tư công?
Vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội báo cáo tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.
Theo đó, báo cáo cho biết nhiều dự án được giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2017-2018 nhưng đến nay vẫn chưa giải ngân hết, tạo áp lực rất lớn lên cân đối ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025. Trong đó có 12 dự án lớn với tổng số vốn là 4.118,8 tỷ đồng.
Một là dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành của tỉnh Đồng Nai. Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2018 còn lại chưa giải ngân của dự án là 1.077,278 tỷ đồng.
Đây là dự án quan trọng quốc gia. Nguyên nhân không giải ngân hết kế hoạch được giao là do quy mô giải phóng mặt bằng lớn, liên quan đến 5.541 hộ gia đình, công tác kiểm kê, quy chủ, xác định giá đất cụ thể, lập phương án bồi thường phức tạp, mất nhiều thời gian.
Dự án thứ 2 là hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2017 còn lại chưa giải ngân của dự án là 47,299 tỷ đồng.
Dự án ban đầu là nhóm B, phải chuyển đổi mục đích sử dụng 162,55 ha rừng đặc dụng thuộc khu bảo tồn Núi Ông do đó phải trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án tại Nghị quyết số 93/2019/QH14 ngày 26/1/2019. Đến nay, tỉnh Bình Thuận vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư do sự thay đổi quy định về mức bồi hoàn rừng, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng.
Dự án thứ 3 là hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận. Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2017 còn lại chưa giải ngân của dự án là 254,782 tỷ đồng.
Nguyên nhân là do trong quá trình thực hiện, dự án phải thay đổi diện tích rừng sử dụng, phát sinh yếu tố dự án quan trọng quốc gia. Tại Nghị quyết số 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020, Quốc hội đồng ý chuyển mục đích sử dụng 431,76 ha đất rừng để thực hiện dự án. Hiện tỉnh đang hoàn thiện thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Dự án thứ 4 là bệnh viện Nhi đồng TP. HCM. Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2017 còn lại chưa giải ngân của dự án là 718,853 tỷ đồng. Nguyên nhân giải ngân chậm do dự án chủ yếu sử dụng cơ chế tạm ứng cho nhà thầu, đến nay tổng dự toán công trình chưa được phê duyệt nên việc thanh toán khối lượng hoàn thành cho nhà thầu không thực hiện được.
Nguyên nhân tổng dự toán công trình chưa được phê duyệt do quá trình trình thẩm định thiết kế kỹ thuật và dự toán kéo dài; chủ đầu tư phải khắc phục và điều chỉnh hồ sơ tổng dự toán theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Dự án thứ 5 là bệnh viện Ung bướu TP. HCM cơ sở 2. Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2017 còn lại chưa giải ngân của dự án là 1.211,461 tỷ đồng. Nguyên nhân giải ngân chậm do công tác lập hồ sơ thiết kế còn nhiều sai sót nên phải thay đổi thiết kế, công tác phối hợp và triển khai thực hiện của các nhà thầu tư vấn và nhà thầu thi công; quy trình thẩm định và trình duyệt cấu hình, tính năng kỹ thuật trang thiết bị y tế phức tạp.
Dự án thứ 6 là xây dựng tuyến nối từ chùa Ba Sao đến chùa Bái Đính trên địa bàn tỉnh Hà Nam. Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2018 còn lại chưa giải ngân đến thời điểm hiện nay là 326,46 tỷ đồng.
Nguyên nhân là trong quá trình triển khai thực hiện dự án gặp khó khăn do hướng tuyến của dự án đi qua khu vực núi đá cao, khối lượng phá đá nổ mìn lớn làm ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường, do đó phải làm thủ tục điều chỉnh dự án để phát huy hiệu quả đầu tư, giữ gìn cảnh quan.
Dự án thứ 7 là đầu tư xây dựng nâng cấp đê tả sông Luộc kéo dài (đoạn từ K120 600 đê tả sông Hồng đến K20 700 đê tả sông Luộc), tỉnh Hưng Yên. Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2018 còn lại chưa giải ngân đến thời điểm hiện nay là 143,4022 tỷ đồng.
Nguyên nhân chưa giải ngân hết là do một số hạng mục của dự án chỉ triển khai khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương điều chỉnh lý trình giai đoạn 1 của dự án vào ngày 28/10/2019.
Dự án thứ 8 là hệ thống đường từ cầu Nhật Lệ 2 đến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, tỉnh Quảng Bình. Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2018 còn lại chưa giải ngân đến thời điểm hiện nay là 40 tỷ đồng. Nguyên nhân chưa giải ngân do ảnh hưởng nặng nề của các đợt mưa lũ tháng 9, 10/2020, khó khăn trong giải phóng mặt bằng nên không đảm bảo tiến độ thi công đề ra.
Dự án thứ 9 là đường liên huyện dọc kênh chính qua huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2018 còn lại chưa giải ngân đến thời điểm hiện nay là 93,2848 tỷ đồng.
Nguyên nhân chưa giải ngân do dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên, đến ngày 31/7/2020 Thủ tướng Chính phủ mới cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng và phải thực hiện công tác tận thu lâm sản; đến tháng 10 năm 2020 mới có mặt bằng thi công, không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao.
Dự án thứ 10 là nâng cấp đường ĐT.724 và xây dựng 03 cầu, thông tuyến đường ĐT.721 tỉnh Lâm Đồng. Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2018 còn lại chưa giải ngân là 53,249 tỷ đồng.
Nguyên nhân chưa giải ngân do dự án có phạm vi quy mô đầu tư lớn với chiều dài toàn tuyến gần 65 km đi qua địa bàn 5 huyện, với phạm vi giải phóng mặt bằng đến hơn 2.000 hộ bị ảnh hưởng. Vì vậy, sau hơn 2 năm mới cơ bản đảm bảo mặt bằng. Đồng thời điều kiện thời tiết diễn biến rất phức tạp, mưa bão kéo dài và dịch bệnh Covid-19 nên ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án.
Dự án thứ 11 là đường tỉnh 922, thành phố Cần Thơ. Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2018 còn lại chưa giải ngân đến thời điểm hiện nay 81,416 tỷ đồng. Nguyên nhân chưa giải ngân do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật.
Dự án thứ 12 là bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 của Bộ Y tế. Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2018 còn lại chưa giải ngân là 71,399 tỷ đồng. Nguyên nhân không giải ngân hết là phải điều chỉnh thiết kế để phù hợp với tổng mức đầu tư, công tác thanh toán tại Kho bạc Nhà nước gặp khó khăn do đã có khối lượng hoàn thành nhưng chưa có dự toán được phê duyệt.
Hà TrầnDự kiến tuyến đường sắt đô thị kết nối với sân bay Nội Bài sẽ được khởi động trong năm 2024 - 2025, hoàn thiện toàn bộ vào năm 2034; đoạn tuyến 2.4 Nam Thăng Long - Nội Bài đưa vào khai thác sử dụng năm 2030.