Vì sao cần tăng tốc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em?
Theo các chuyên gia, tiêm vaccine COVID-19 là biện pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe cho trẻ và cho những người xung quanh trước dịch bệnh COVID-19. Với gần 6,9 triệu liều vaccine đã được tiêm cho trẻ em, tỷ lệ trẻ tử vong sau tiêm vaccine phòng COVID-19 ở Việt Nam là rất thấp so với thế giới.
Việt Nam đang triển khai chiến dịch tiêm chủng cho trẻ 12-17 tuổi, sử dụng vaccine Pfizer. Dự kiến, có khoảng 9 triệu trẻ trong độ tuổi này được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến hết ngày 10/12, các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm được gần 6,9 triệu liều cho nhóm trẻ trên, trong đó có gần 5,69 triệu liều mũi 1 và hơn 1,2 triệu liều mũi 2. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine là 62,3% và tỷ lệ bao phủ đủ 2 liều là 13,2% dân số từ 12 -17 tuổi.
Tại cuộc họp ngày 10/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu cần thần tốc hơn nữa trong đáp ứng nhu cầu vaccine và thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine để đạt mục tiêu đề ra; rà soát lại các quy trình, công đoạn liên quan tới vaccine, tránh xảy ra và khắc phục các sự cố.
Thủ tướng cũng nêu rõ mục tiêu phấn đấu tới 31/1/2022, hoàn thành việc tiêm 2 mũi cho người từ 12 đến 18 tuổi. Về tiêm cho trẻ em từ 5 đến 12 tuổi, khẩn trương báo cáo, xin ý kiến cấp có thẩm quyền, nghiên cứu khuyến cáo của các tổ chức quốc tế, tham khảo kinh nghiệm các nước để đưa ra mục tiêu, lộ trình tiêm, phấn đấu hoàn thành trong quý I/2022.
Nhận định chung, các chuyên gia đều khẳng định, tiêm ngừa vaccine là biện pháp tốt nhất để bảo vệ sức khỏe không chỉ cho mỗi cá nhân mà còn cho cả cộng đồng.
Đối với trẻ em, BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TP.HCM, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM nhận định, theo ghi nhận tới thời điểm này, phần lớn trẻ em nhiễm COVID-19 đều vượt qua rất nhẹ nhàng. Tại Hướng dẫn Chẩn đoán và Điều trị COVID-19 ở trẻ em, Bộ Y tế đã thông tin, virus SARS-CoV-2 gây bệnh ở cả người lớn và trẻ em, tuy nhiên COVID-19 trẻ em ít gặp hơn. Phần lớn trẻ mắc COVID-19 không có triệu chứng hoặc nhẹ với triệu chứng viêm hô hấp trên hoặc tiêu hóa (55%), trung bình (40%), nặng (4%), nguy kịch (0,5%). Trẻ em mắc COVID-19 thường ở thể nhẹ, vì thế tỷ lệ nhập viện và tử vong ít so với người lớn.
Thế nhưng, vị chuyên gia khẳng định, vaccine vẫn phải coi là một giải pháp cần thiết bởi hai lẽ: một là trẻ mắc COVID-19 chính là nguồn lây cho cộng đồng; hai là, tiêm vaccine sẽ giúp các em hòa nhập được với cộng đồng.
Riêng với trẻ béo phì, có bệnh nền, đây là đối tượng càng cần phải tiêm sớm, tiêm trước trong bệnh viện vì trẻ có nguy cơ diễn biến nặng nếu mắc COVID-19.
“Trường hợp bé trai 9 tuổi nhập viện Nhi đồng 2 TP.HCM cấp cứu hồi cuối tháng 11 là một ví dụ. Bé bị thừa cân, lại bị “cơn bão cytokine” tấn công sau khi mắc COVID-19. Lúc nhập viện, da bé tím tái, độ bão hòa oxy thấp, huyết áp, mạch không ổn định. Cậu bé phải chạy ECMO nhiều ngày mới qua nguy kịch, dần hồi phục”, BS Trương Hữu Khanh lưu ý.
Về nguy cơ tai biến sau tiêm chủng, theo BS Khanh, cần phải nhìn nhận một cách khách quan và khoa học. Với tổng số gần 6,9 triệu liều vaccine đã được tiêm, tỷ lệ trẻ tử vong sau tiêm vaccine phòng COVID-19 ở Việt Nam là rất thấp so với thế giới.
Mặt khác, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, vaccine COVID-19 đang được giám sát về mức độ an toàn với chương trình giám sát an toàn toàn diện và nghiêm ngặt nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. CDC giám sát mức độ an toàn của tất cả các loại vaccine COVID-19 sau khi vaccine được cấp phép hoặc phê duyệt sử dụng, bao gồm cả nguy cơ viêm cơ tim ở trẻ em từ 5 đến 11 tuổi.
"Phản ứng dị ứng nghiêm trọng, như sốc phản vệ, có thể xảy ra sau khi tiêm bất kỳ loại vaccine nào, kể cả vaccine COVID-19, nhưng trường hợp này hiếm khi xảy ra", CDC Hoa Kỳ thông tin.
Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn theo dõi sức khỏe sau tiêm cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi để phát hiện kịp thời, xử lý sớm nhất những phản ứng phản vệ nặng.
"Đối với trẻ em sau tiêm ngừa, đặc biệt là trẻ trai, không vận động quá nặng trong vòng 72 giờ đầu và hạn chế vận động trong vòng 28 ngày. Khi trẻ thấy choáng váng, tức ngực, mạch nhanh thì phải đi viện ngay. Khi những triệu chứng như vậy được phát hiện sớm, đa phần không ảnh hưởng đến tính mạng", BS Trương Hữu Khanh lưu ý thêm.
Tiêm vaccine để tạo kháng thể bảo vệ lâu dài cho trẻ
Từ một góc độ khác, TS.BS Trương Tấn Minh, Chủ tịch Hội Y tế Công cộng tỉnh Khánh Hòa khẳng định, tiêm chủng là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để phòng ngừa một số bệnh khi chưa có thuốc điều trị và giúp cho trẻ an toàn hơn.
Khi tiêm chủng chắc chắn sẽ có phản ứng phụ - dù ở một tỷ lệ vô cùng thấp, song những phản ứng phụ này còn do cơ địa từng người.
"Muốn phòng ngừa bệnh và hạn chế tối đa những diễn biến nặng khi mắc bệnh thì phải tiêm vaccine và chấp nhận một sự thật khoa học là sẽ có những phản ứng phụ ở bất cứ loại vaccine nào. Nếu vì có tai biến trong tiêm vaccine mà quay lưng với vaccine, không tiêm chủng thì nguy cơ còn lớn hơn nhiều và điều này đã được chứng minh ở một số nước trên thế giới khi đối diện với đại dịch COVID-19.
Và dù khi trẻ mắc COVID-19, đa phần đều là diễn biến nhẹ và qua khỏi nhanh nhưng chúng ta không nên và không thể ỷ lại vào điều đó. Phải đảm bảo trẻ được chích vaccine để tạo kháng thể bảo vệ lâu dài”, Chủ tịch Hội Y tế Công cộng tỉnh Khánh Hòa chia sẻ.
Vị chuyên gia khẳng định, với những trường hợp đã được chích vaccine COVID-19, nếu bị mắc bệnh sẽ không có triệu chứng hoặc diễn biến nhẹ so với những người không tiêm vaccine. Tiêm vaccine vẫn là cách hình thành khả năng miễn dịch an toàn và hiệu quả hơn nhiều so với việc bị nhiễm virus và mắc bệnh COVID-19. Các công ty sản xuất vaccine cũng đã thực hiện nghiên cứu vaccine trên nhiều đối tượng, nhiều quốc gia, vì vậy, việc triển khai tiêm phòng vaccine cho trẻ là hoàn toàn có cơ sở.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã có hướng dẫn cụ thể về khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, quy trình xử lý sự cố trong quá trình tiêm chủng và theo dõi sau tiêm... Đội ngũ nhân viên y tế đã được đào tạo đầy đủ các quy trình này. Bởi vậy, phụ huynh có thể yên tâm khi cho trẻ tiêm chủng.
Ngày 8/12, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết theo thống kê chung của thế giới và Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân tử vong do SASR-CoV-2 của Việt Nam vẫn thấp so với thế giới.
“Bộ Y tế cũng đang giao Cục Quản lý khám chữa bệnh và các sở y tế đánh giá nguyên nhân cụ thể các trường hợp tử vong. Bước đầu chúng tôi nhận định, các ca bệnh COVID-19 tử vong chủ yếu xuất hiện ở nhóm người mắc bệnh nền, bệnh mãn tính hoặc trường hợp người cao tuổi, sức khỏe suy giảm”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Để hạn chế tối đa người mắc COVID-19 tử vong, lãnh đạo Bộ Y tế cũng nêu chiến lược giảm tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân COVID-19. Đó là, tiếp cận các loại thuốc điều trị COVID-19 đang nghiên cứu và đã lưu hành trên thế giới để đưa lượng thuốc điều trị về Việt Nam với tỉ lệ cao nhất, đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân nặng.
“Cùng với việc cơ bản hoàn thành tiêm vaccine mũi 1 cho người dân từ 18 tuổi trở lên, tất cả trường hợp F0 nhẹ đều được hướng dẫn điều trị ở nhà, trường hợp bệnh nhân nặng được đưa vào cơ sở điều trị, khi các loại thuốc điều trị COVID-19 được đưa về Việt Nam theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn thế giới và trong nước, sẽ góp phần rất tốt trong điều trị, giảm thiểu bệnh nhân tử vong”, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Thành LuânViệt Nam có thể đạt tăng trưởng GDP 6,6% trong năm 2025, nằm trong nhóm quốc gia tăng trưởng cao nhất châu Á.