Vì sao đương sự tố cáo 2 thẩm phán tòa án tỉnh Bình Phước?

Tạp chí in
10:44 PM 09/04/2021

Hai thẩm phán bị ông Đinh Văn Thành (SN 1969, ngụ ấp 7, xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) tố cáo là thẩm phán Lê Hồng Hạnh và Nguyễn Văn Thư thuộc TAND tỉnh Bình Phước.

Tòa sơ thẩm tuyên ông Đinh Văn Thành thắng kiện

Ông Đinh Văn Thành là nguyên đơn trong vụ án "Tranh chấp quyền sở hữu tài sản" với bị đơn là ông Phạm Duy Khải (SN 1971, ngụ thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng). Vụ án đã được TAND huyện Bù Đăng (Bình Phước) xét xử bằng Bản án dân sự sơ thẩm số 22/2020/DS-ST ngày 22/5/2020, qua đó chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Thành, tuyên công nhận ông Thành được quyền sở hữu, sử dụng: 621 cây điều trồng năm 2001 và 156 cây điều trồng dặm năm 2014; Một căn nhà xây cấp 4 diện tích 5m x 27m, xây năm 2010; Công trình phụ là chái bếp, bể chứa nước, nhà tạm, nhà vệ sinh… các tài sản này nằm trên diện tích 49.752,8 m2 đất, tại thôn 7, xã Bom Bo, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. 192 cây điều trồng năm 2001 và 48 cây điều trồng dặm năm 2014 trên diện tích 15.372,5 m2 đất; 245 cây điều trồng năm 2001 và 62 cây điều trồng dặm năm 2014 trên diện tích đất 19.696,1 m2. Tạm giao cho ông Thành tiếp tục quản lý thu hoạch cây trồng trên các diện tích đất 49.752,8 m2 và 15.372,5 m2 nêu trên cho đến khi Nhà nước có yêu cầu theo quy định. Giao cho ông Thành tiếp tục quản lý, thu hoạch cây trồng trên diện tích đất 19.696,1 m2 nêu trên. Ông Thành có quyền liên hệ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất 19.696,1 m2, theo quy định.

Đối với bị đơn Phạm Duy Khải, tòa cấp sơ thẩm buộc ông Khải phải tháo dỡ căn nhà xây cấp 4 có diện tích 4,2m x 11m (tường gạch, không tô trát) do ông này xây dựng năm 2014 trên diện tích đất 49.752,8 m2 do ông Thành quản lý, sử dụng nêu trên. Sau đó, ông Khải kháng án với yêu cầu hủy bản án sơ thẩm của TAND huyện Bù Đăng.

Vì sao đương sự tố cáo 2 thẩm phán tòa án tỉnh Bình Phước? - Ảnh 1.

Ông Đinh Văn Thành trình bày vụ việc với phóng viên.

2 việc làm trái khoáy của 2 thẩm phán tòa án tỉnh

Ngày 22/9/2020, TAND tỉnh Bình Phước xét xử phúc thẩm, chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Lê Hồng Hạnh. Khi phiên tòa đến phần phát biểu của đại diện Viện KSND tỉnh, thì tạm dừng vì ông Khải đề nghị giám định chữ ký, chữ viết trong "Hợp đồng cho mượn đất" ngày 1/12/2001, theo yêu cầu của ông Khải.

Trong thời gian tạm dừng phiên tòa, ngày 13/10/2020 và ngày 27/10/2020, thẩm phán Lê Hồng Hạnh mời ông Thành và ông Khải đến trụ sở TAND tỉnh Bình Phước để làm việc. Tại đây thẩm phán Hạnh gợi ý bảo ông Thành... chia một phần tài sản cho ông Phạm Duy Khải nhưng ông Thành không đồng ý, cuộc làm việc này được ông Thành ghi âm.

Ngày 16/12/2020, ông Thành trực tiếp đến trụ sở tòa án tỉnh để hỏi việc xét xử vụ án thì được cung cấp Quyết định 33/2020/QĐ-PT ngày 22/9/2020 về việc tạm ngừng phiên tòa phúc thẩm; Quyết định 05/2020/QĐ-PT ngày 22/10/2020 về tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án dân sự; Quyết định 38/2020/QĐ-TA ngày 4/12/2020 về việc thay thẩm phán Lê Hồng Hạnh bằng thẩm phán Nguyễn Văn Thư". Không đồng ý với quyết định tạm đình chỉ xét xử vụ án, ông Thành có đơn tố cáo thẩm phán Lê Hồng Hạnh ban hành quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án không đúng pháp luật.

Vì sao đương sự tố cáo 2 thẩm phán tòa án tỉnh Bình Phước? - Ảnh 2.

Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do thẩm phán Nguyễn Văn Thư ký ban hành gây bức xúc cho gia đình ông Đinh Văn Thành.

Do việc xét xử phúc thẩm bị tạm đình chỉ trong khi vụ điều đang đến nên bà Lê Thị Huyền (vợ ông Thành), đã làm đơn yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (BPKCTT) để gia đình thu hoạch hạt điều mà gia đình đã trồng trên 3 thửa đất nói trên. Thế nhưng không hiểu vì động cơ gì, vào ngày 13/1/2021, thẩm phán Nguyễn Văn Thư ký ban hành Quyết định áp dụng BPKCTT số 01/2021/BPKCTT… để giao cho ông Phạm Duy Khải thu hoạch hạt điều trên diện tích đất 19.696,1 m2 và 15.372,5 m2 trong khi ông Khải không có đơn yêu cầu áp dụng BPKCTT, cũng không có chứng cứ chứng minh cây điều trên diện tích đất là do ông Khải trồng. Không đồng ý với quyết định áp dụng BPKCTT, ông Thành khiếu nại, nhưng sự khiếu nại của ông đã bị chánh án TAND tỉnh Bình Phước bác. Ông Thành khiếu nại tiếp đến TAND Cấp cao nhưng đến nay chưa được giải quyết.

Ông Thành cho biết ngày 6/3/2021, ông nhận quyết định số 01/2021/QĐ-PT ngày 24/2/2021 do thẩm phán Nguyễn Văn Thư ký gửi Phân viện Khoa học hình sự tại TP Hồ Chí Minh để trưng cầu giám định chữ viết "Đinh Văn Thành" trong giấy cho mượn đất ngày 1/12/2001, theo yêu cầu của ông Khải tại phiên tòa ngày 22/9/2020, và Quyết định 05/2021/QĐ-TA ngày 26/2/2021 của TAND tỉnh Bình Phước về việc thay thẩm phán Thư bằng thẩm phán Bùi Thanh Thảo làm chủ tọa phiên tòa dân sự phúc thẩm.

Tại sao ông Thành tố cáo 2 thẩm phán?

Ông Thành cho biết: Tranh chấp giữa ông với ông Khải là tranh chấp quyền sở hữu, sử dụng tài sản và yêu cầu khởi kiện của ông đã được TAND huyện Bù Đăng chấp nhận. Phiên tòa dân sự phúc thẩm ngày 22/9/2020 mở ra do có kháng cáo của ông Khải (ông Khải kháng cáo đề nghị hủy bản án sơ thẩm). Tại phiên tòa, ông Khải yêu cầu trưng cầu giám định dòng chữ "Đinh Văn Thành" trong "Hợp đồng cho mượn đất" ngày 1/12/2001 nên Hội đồng xét xử phúc thẩm tạm dừng phiên tòa.

Trong thời gian tạm dừng, chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Lê Hồng Hạnh không ban hành quyết định trưng cầu, nhưng lại ban hành quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm là không đúng pháp luật. Việc làm của thẩm phán Lê Hồng Hạnh đã kéo dài thời hạn xét xử vụ án, gây thiệt hại đến quyền lợi của ông Thành.

Đối với việc tố cáo thẩm phán Nguyễn Văn Thư, ông Thành cho biết ông Thư được Phó Chánh án Lê Viết Hòa ký quyết định phân công thay thẩm phán Lê Hồng Hạnh, sau khi thẩm phán Hạnh ký quyết định tạm đình chỉ xét xử phúc thẩm.

Khi tiếp nhận vụ án, thẩm phán Thư không những ký ban hành Quyết định áp dụng BPKCTT số 01/2021/BPKCTT ngày 13/1/2021 trái khoáy nói trên, mà còn ký ban hành Quyết định 01/2021/QĐ-PT ngày 24/2/2021 để trưng cầu giám định chữ viết theo yêu cầu của ông Phạm Duy Khải. Trong khi thẩm phán Thư không phải là chủ tọa phiên tòa dân sự phúc thẩm ngày 22/9/2020. Vì những việc làm sai pháp luật nói trên của thẩm phán đã làm cho ông Thành bức xúc, làm đơn tố cáo. Được biết, TAND tỉnh Bình Phước đã thụ lý đơn tố cáo của ông Thành trong việc tố cáo thẩm phán Lê Hồng Hạnh và Nguyễn Văn Thư nhưng đến nay ông Thành chưa nhận được kết quả giải quyết tố cáo.

Bài - Ảnh: Yến Thanh
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.