Vì sao kết quả xét nghiệm Covid-19 lúc dương lúc âm?

Sức khỏe
10:30 AM 03/07/2020

Theo các chuyên gia, kết quả xét nghiệm tìm ra virus gây Covid-19 bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố và có thể sai sót.

    Kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur TP.HCM cho thấy kỹ sư người Indonesia (31 tuổi, làm việc tại Bình Dương) âm tính với SARS-CoV-2. Trước đó, tại hai bệnh viện khác, kết quả xét nghiệm của người này lại là dương tính. Tại sao có sự khác biệt này?

    Kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính virus SARS-CoV-2 phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ảnh: Phạm Thắng.

    Hai phương pháp xét nghiệm khác nhau

    Theo thông tin từ Bệnh viện FV (TP.HCM), Việt Nam áp dụng hai chiến thuật xét nghiệm Covid-19 được Bộ Y tế phê duyệt. Thứ nhất là chiến thuật được áp dụng tại Mỹ, do Trung tâm kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) phê chuẩn, sử dụng gene đích là gene N - gene đặc hiệu của SARS CoV-2. Chiến thuật thứ 2 được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề xuất, với gene mục tiêu là gene E, được Viện Pasteur TP.HCM triển khai.

    Bệnh nhân Indonesia nói trên được phòng xét nghiệm Bệnh viện FV áp dụng chiến thuật của CDC Mỹ. Mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân này dương tính nhẹ với gene N và gene RdRP, cho phép kết luận dương tính với SARS CoV-2, đúng theo quy trình xét nghiệm của CDC Mỹ đã được Bộ Y tế phê duyệt.

    Cũng trên bệnh nhân này, Viện Pasteur TP.HCM đã tiến hành lấy một mẫu bệnh phẩm khác để chạy xét nghiệm PCR theo chiến lược của WHO. Do không phát hiện thấy gene E mục tiêu, mẫu này được kết luận là âm tính.

    Những xét nghiệm về huyết thanh học cho thấy mẫu máu của bệnh nhân kể trên dương tính kháng thể lớp IgG (được hiểu là đã từng bị bệnh) và âm tính với kháng thể lớp IgM (dùng xác định đợt nhiễm trùng cấp).

    Kết hợp với các mẫu xét nghiệm phát hiện gene N, Gene RdRp và không thấy gene E, chúng ta có thể kết luận người này đã bị bệnh từ trước đó, nay không còn hoạt tính của virus, hay nói cách khác là đã khỏi bệnh.

    Còn TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, nhận định xét nghiệm Covid-19 có thể sai sót dẫn tới kết quả khác nhau.

    Sự khác nhau này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cả về máy móc lẫn con người. Nếu mẫu bệnh phẩm được xét nghiệm bởi hai thiết bị, hai đơn vị khác nhau, việc cho kết quả khác nhau vẫn có thể xảy ra.

    Ngoài ra, phương pháp lấy mẫu bệnh nhân cũng ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả xét nghiệm. Nếu bệnh nhân được lấy mẫu không đúng cách, bệnh phẩm không được bảo quản trong môi trường phù hợp, kết quả xét nghiệm có thể sai sót.

    TS Hùng cho biết vấn đề này cũng có thể nằm ở chính người được lấy mẫu xét nghiệm. Từng vị trí trên cơ thể và thời điểm được lấy mẫu, số lượng và nồng độ virus sẽ có biểu hiện khác nhau. Với bệnh nhân có nồng độ virus thấp, dịch phết họng có thể chứa virus nhưng mẫu máu, nước bọt lại không.

    Ngoài ra, nếu người nhiễm virus vừa súc họng, vệ sinh vùng xét nghiệm bằng dung dịch sát khuẩn trước khi lấy mẫu, bệnh phẩm có thể âm tính.

    Xét nghiệm nào giúp xác định bệnh?

    TS Hùng cho biết chẩn đoán Covid-19 có thể dựa vào nhiều xét nghiệm. Trong đó, phổ biến nhất là xét nghiệm Real-Time PCR, hình ảnh học.

    Realtime PCR là phương pháp được dùng xét nghiệm khẳng định Covid-19 tại nước ta, trong ảnh là phòng xét nghiệm tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM. Ảnh: BSCC.

    Xét nghiệm Real-Time PCR

    Xét nghiệm để chẩn đoán xác định bệnh dựa trên nguyên tắc phát hiện đoạn gene RNA của SARS-CoV-2. Mẫu bệnh phẩm mũi họng cho khả năng phát hiện SARS-CoV-2 tốt hơn vùng hầu họng. Mẫu bệnh phẩm đường hô hấp dưới cho khả năng phát hiện virus tốt hơn mẫu bệnh phẩm đường hô hấp trên.

    Virus SARS-CoV-2 cũng có thể phát hiện trong phân và máu. Phát hiện virus trong máu có thể là dấu hiệu tiên lượng bệnh nặng. Sự phát tán virus có thể tồn tại lâu hơn (12-20 ngày) ở người già và người bị bệnh nặng phải nhập viện.

    PCR không phải là xét nghiệm để tìm thấy con virus sống. Đó chỉ là xét nghiệm tìm các đoạn gene đặc hiệu của virus trong mẫu bệnh phẩm. Nói cách khác, xét nghiệm dương tính chỉ có thể kết luận việc tồn tại một phần cấu trúc virus trong mẫu bệnh phẩm đó.

    Hình ảnh học

    Tổn thương mô kẽ hai bên thành ngực và vùng đáy hai phổi là hình ảnh X-quang khá điển hình của bệnh nhân mắc Covid-19 mặc dù trong giai đoạn sớm của bệnh, hình ảnh X-quang phổi đa số bình thường. Hình ảnh CT ngực ở bệnh nhân thường cho thấy tổn thương dạng kính mờ, lát đá ở vùng rìa thành ngực, vùng đáy và mặt lưng hai phổi.

    Tuy nhiên, những hình ảnh đó có thể bị nhầm lẫn với một số bệnh khác và rất phụ thuộc vào cách đọc của từng bác sĩ X-quang riêng lẻ. Do đó, giá trị chẩn đoán bệnh bằng hình ảnh X-quang/CT ngực không cao và không được khuyến cáo dùng để chẩn đoán Covid-19.

    Xét nghiệm khác

    Giảm bạch cầu Lympho là triệu chứng cận lâm sàng thường thấy nhất trong bệnh Covid-19, có ở 83% bệnh nhân nhập viện. Tình trạng giảm bạch cầu, bạch cầu trung tính, tăng cao alanine aminotransferase và aspartate aminotransferase trong huyết thanh, tăng nồng độ lactate dehydrogenase, tăng CRP có thể liên quan đến mức độ nặng của bệnh.

    Tăng D-dimer và giảm bạch cầu có liên quan đến tỷ lệ tử vong của bệnh. Procalcitonin thường trong giới hạn bình thường tại thời điểm nhập viện nhưng có thể tăng trong số những người phải điều trị tại khoa hồi sức tích cực. Bệnh nhân mắc bệnh mức độ nặng có nồng độ các cytokine trong huyết tương tăng cao cho thấy tình trạng rối loạn miễn dịch tiềm tàng.

    Ý kiến của bạn
    Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai

    Giá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.