Vì sao khách sạn Kim Liên tăng vốn bất thành?

Doanh nghiệp - Doanh nhân
07:08 AM 31/05/2020

Theo nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, CTCP Du lịch Kim Liên nhất trí không thực hiện tăng vốn điều lệ lên 2.768 tỷ đồng để triển khai dự án Khu phức hợp Kim Liên.

Đất vàng khách sạn Kim Liên - số 5 - 7 Đào Duy Anh - Hà Nội

Qua nghiên cứu đồng thời xem xét ý kiến của cổ đông, HĐQT nhận thấy việc tăng vốn điều lệ để đảm bảo nguồn vốn đối ứng cho việc triển khai Dự án tổ hợp công trình thương mại dịch vụ khách sạn, văn phòng và khách sạn căn hộ cho thuê tại khu đất 5-7 Đào Duy Anh, Hà Nội thời điểm hiện tại là không khả thi.

Không đủ cơ sở để tăng vốn

Trước đó, theo nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường năm 2019, CTCP Du lịch Kim Liên đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ mức hiện gần 70 tỷ đồng lên 2.768 tỷ đồng để triển khai dự án Khu phức hợp Kim Liên.

Theo kết quả nghiên cứu thị trường, tư vấn ý tưởng phát triển và nghiên cứu khả thi Dự án Kim Liên của Công ty TNHH Savills Việt Nam thì tổng chi phí cho việc thực hiện dự án này dự kiến khoảng 615,8 triệu USD, khoảng 14.287,1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tại buổi công bố nghị quyết họp đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2020 diễn ra hồi đầu năm, đại diện cổ đông Tài chính Bưu điện đã yêu cầu cung cấp thêm thông tin về dự án, như nội dung, quy mô, tổng mức đầu tư… để cổ đông xem xét quyết định.

Tuy nhiên, theo đại diện cổ đông Tài chính Bưu điện, những tài liệu cung cấp cho cổ đông không đủ cơ sở để cổ đông biểu quyết các nội dung tại đại hội. Việc tăng vốn dựa trên nghiên cứu, khảo sát của đơn vị tư vấn như Savills Việt Nam là không có căn cứ, cơ sở. Nghiên cứu chỉ đưa ra con số tổng chứ không có một kế hoạch cụ thể.

Vẫn theo đại diện cổ đông Tài chính Bưu điện, Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 đã uỷ quyền cho Chủ tịch HĐQT tìm kiếm đối tác hợp tác đầu tư và tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược triển khai thực hiện dự án, nhưng đến nay các cổ đông của Du lịch Kim Liên vẫn chưa thấy có báo cáo về việc triển khai dự án.

Đại diện cổ đông GP Bank đánh giá, cơ sở cho việc tăng vốn, thông tin dự án còn chung chung, không đủ dữ liệu thảo luận và cho ý kiến. Cổ đông Tài chính Bưu điện còn yêu cầu được cung cấp các thông tin về định hướng công việc sẽ triển khai, các bên liên quan (ThaiGroup) sẽ tham gia vào công việc gì? Có đóng góp và mang lại lợi ích gì cho cổ đông?

Trước sự lấn lướt của nhóm cổ đông Thaigroup, cổ đông nhỏ hơn là công ty Tài chính Bưu điện (đang nắm giữ hơn 6%) từng thông báo muốn bán toàn bộ 465.505 cổ phiếu Du lịch Kim Liên nhưng không thành công.

“Hậu” thâu tóm

Năm 2015, Tập đoàn Thaigroup của ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) đã chi ra hơn 1.000 tỷ đồng để mua lại 52% cổ phần của Công ty Cổ phần Du lịch Kim Liên từ Tổng Công ty kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Thaigroup sau đó đã cầm cố toàn bộ số cổ phần này này tại một ngân hàng để làm tài sản bảo đảm cho khoản vay.

Bên cạnh Thaigroup thì Thai Holdings – một công ty khác thuộc nhóm Thaigroup, do Bầu Thụy nắm giữ 20% vốn, từng là công ty con của Thaigroup, cũng đang nắm giữ 17,2% cổ phần tại khách sạn Kim Liên.

Chỉ 4 năm sau thương vụ chi 1.000 tỷ đồng “thâu tóm” Khách sạn Kim Liên, “đại gia” Nguyễn Đức Thụy đã công bố “nước cờ” mới khi muốn tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp này lên gấp 40 lần và xây dựng trên đất vàng số 5-7 Đào Duy Anh một khu phức hợp.

Nhưng đề xuất tăng vốn đã không được thông qua việc thực hiện tăng vốn điều lệ theo nghị quyết cổ đông bất thường trước đó, đồng thời cổ đông cũng miễn nhiệm chức danh Chủ tịch và thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Đức Thụy từ ngày 24/5.

Bởi sau quá trình nghiên cứu thị trường và xem xét ý kiến của cổ đông, HĐQT khách sạn nhận thấy việc tăng vốn là không khả thi. Vì vậy, đã trình cổ đông thông qua việc không tăng vốn để thực hiện dự án.

Ý kiến của bạn