Vì sao Kido Foods tính đường quay về với tập đoàn mẹ?
Sau 3 năm tách ra không mang lại hiệu quả, Kido đang tính tới chuyện sáp nhập lại mảng đồ đông lạnh về tập đoàn.
Ngày 9/6 tới, CTCP Thực phẩm Đông lạnh Kido (Kido Foods, KDF) sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên để bàn về một trong những nội dung trọng yếu là sáp nhập trở lại vào Tập đoàn KIDO (HoSE: KDC).
Kido Foods liên tục phát triển những sản phẩm kem mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng cao của khách hàng (Ảnh: Internet)
Kido Food từng là công ty con của Tập đoàn KIDO với tỷ lệ sở hữu 99,98% vốn điều lệ. Năm 2017, sau khi chào bán 11,2 triệu cổ phần ra bên ngoài và bán 15% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, cổ đông nội bộ, KDC chỉ còn sở hữu 65% vốn KIDO Foods.
Theo KDC, năm 2017, với định hướng đưa KDF trở thành công ty đại chúng, Tập đoàn đã chuyển nhượng cổ phiếu tại KDF cho các nhà đầu tư bên ngoài để giảm tỷ lệ xuống 65%.
Việc đại chúng hoá KDF nhằm mục tiêu đa dạng hoá cơ cấu cổ đông, thu hút nhà đầu tư chiến lược và dòng tiền đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trải qua 3 năm hoạt động, mục tiêu đề ra ban đầu khi đại chúng hoá KDF vẫn chưa đạt được theo kỳ vọng.
Mặc dù thị phần của KDF tăng từ 38,1% năm 2016 lên 41,4% năm 2019 nhưng kết quả kinh doanh có nhiều biến động mạnh do phụ thuộc vào bối cảnh chung của thị trường.
Cụ thể, năm 2018, ngành FMCG tại Việt Nam trải qua một năm khó khăn với tốc độ tăng trưởng thấp chỉ 1,9% và thậm chí là tăng trưởng âm trong nửa đầu năm 2018. Do đó, KDF gặp nhiều khó khăn khi lợi nhuận sau thuế chỉ đạt hơn 27 tỷ đồng.
Sang năm 2020, với những diện biến bất lợi và khó lường do tình hình dịch bệnh bùng phát và lan rộng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hành vi và thói quen tiêu dùng đối với các sản phẩm trong ngành hàng lạnh của KDF, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh của công ty.
Còn trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu KDF có thanh khoản khá thấp, bình quân chỉ hơn 6.000 đơn vị mỗi phiên, chưa thu hút được nhà đầu tư cũng như chưa phản ánh đúng vị thế của doanh nghiệp hàng đầu trong ngành thực phẩm đông lạnh.
Trong khi đó, với cơ cấu cổ đông độc lập giữa hai công ty, KDC không thể tập trung toàn lực để hỗ trợ KDF cũng như giúp KDF tận dụng triệt để các lợi thế về tài chính, quản trị và chiến lược.
Trên cơ sở nhận định KDF là một trong những mắt xích quan trọng trong chiến lược phát triển của Tập đoàn giai đoạn mới, việc sáp nhập KDF vào KDC là rất cần thiết. Thông qua việc sáp nhập, KDC có thể tập trung hỗ trợ, tận dụng lợi thế để mang lại giá trị cộng hưởng mà các doanh nghiệp đơn lẻ khác khó có được.
Hiện KDC sở hữu và chi phối các công ty thành viên hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm thiết yếu như KDF, Vocarimex, Tường An, Kido Nhà Bè... Trên cơ sở đó, KDC sau sáp nhập sẽ nhanh chóng hoàn thành các mục tiêu chiến lược và đạt vị thế tập đoàn thực phẩm số 1 Việt Nam.
Về phương án sáp nhập, KDC sẽ phát hành thêm hơn 23 triệu cổ phần để hoán đổi 17,76 triệu cổ phần phổ thông của KDF, tương ứng 32,79% số cổ phần đang lưu hành của KDF cho tất cả cổ đông đang nắm giữ (ngoại trừ KDC) theo tỷ lệ 1:1,3, tức 1 cổ phiếu KDF sẽ được đổi 1,3 cổ phiếu KDC.
Vốn điều lệ của KDC sẽ tăng thêm tương ứng, còn KDF sẽ chuyển đổi loại hình từ CTCP sang công ty TNHH MTV do KDC sở hữu 100% vốn.
Sau sáp nhập, KDC đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2020 là 8.000 tỷ và tăng lên 10.800 tỷ năm 2021. Còn lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 253 tỷ năm 2020 và lên tới 607 tỷ năm 2021. Cổ tức dự kiến là 16%.
Thời gian thực hiện trong vòng 90 ngày kể từ khi Kido nhận được giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu để hoán đổi của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, dự kiến là từ tháng 6/2020 đến tháng 10/2020 hoàn thành.
Được biết, Kido Food đang dẫn đầu ngành kem với hơn 41% thị phần (theo Euromonitor 2019). Hiện công ty có 2 nhãn hàng kem chính là Merino và Celano.
Ngoài ra, căn cứ vào phương án sáp nhập, Kido Foods dự kiến mức cổ tức năm 2020 đặc biệt là 30%. Việc chi trả cổ tức đặc biệt này sẽ thực hiện cùng lúc với việc hoán đổi cổ phiếu để sáp nhập vào Kido.
Hiện, Kido có 10 công ty con, công ty liên kết, liên doanh đồng kiểm soát; tập trung 2 mảng kinh doanh chính là dầu ăn (đóng góp 79,5% trong tổng doanh thu thuần năm 2019) và ngành hàng lạnh (kem, sữa chua, thực phẩm đông lạnh,…).
Với ngành hàng lạnh, Kido chiếm hơn 41% thị phần ngành kem (Euromonitor 2019), với 2 nhãn hàng chính là Merino và Celano.
Năm 2019, doanh thu thuần Kido giảm 5,2% so với năm 2018 (chỉ đạt 7.210 tỷ đồng).
Trong khi đó, Kido Foods được thành lập năm 2003, sau khi mua lại nhà máy kem Wall’s của Unilever, có vốn điều lệ 30 tỷ đồng và niêm yết cổ phiếu KDF vào 14 năm sau đó.
Kido Foods sản xuất và kinh doanh 3 nhóm sản phẩm chính gồm kem, sữa chua và các sản phẩm bánh bao cấp lạnh, thực phẩm đông lạnh.
Riêng với sữa chua, tỷ trọng đóng góp trong tổng doanh thu so với 2 sản phẩm chính còn lại liên tục sụt giảm.
Năm 2016, sữa chua chiếm 15,9% trong tổng doanh thu Kido Foods rồi giảm xuống 3,9% năm 2017, 2,4% năm 2018 và chỉ còn 1,6% năm 2019.
Ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc Kido Foods lý giải, ngành sữa chua tiếp tục chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt và gay gắt giữa nhiều tên tuổi lớn.
Để gia tăng thị phần của mình, họ tiếp tục sử dụng các chiến lược khuyến mãi nhiều đến mức bào mòn đáng kể lợi nhuận của các nhà sản xuất trong ngành.
“Trước bối cảnh đó, chúng tôi tiếp tục quyết định nằm ngoài cuộc chiến giá cả để bảo tồn lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh kem của mình. Quyết định này đã dẫn đến sự sụt giảm thị phần sữa chua của chúng tôi nhưng đã giúp công ty duy trì lợi nhuận tổng thể”, ông Trần Lệ Nguyên nói.
Năm 2019, Kido Foods ghi nhận doanh thu thuần 1,383 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2018 và lợi nhuận sau thuế đạt 185 tỷ đồng, tăng 420%.
Các nhà đầu tư Hoa Kỳ đã đóng góp đáng kể vào quá trình chuyển biến và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Hoa Kỳ hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 11 tại Việt Nam, với hơn 1.400 dự án có tổng vốn đầu tư gần 12 tỷ USD.