Vì sao lãi suất tiền gửi duy trì đà tăng?
Hiện, lãi suất tiền gửi đang dần thiết lập mặt bằng mới khi nhiều ngân hãng đã nhập cuộc hút tiền gửi với lãi suất cạnh tranh.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước công bố, số dư tiền gửi của khách hàng cuối tháng 3/2022 đạt hơn 11,33 triệu tỷ đồng, tăng hơn 390.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021, tương đương tăng 3,6%.
Ngoại trừ nhóm Big 4, mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng đã tăng lên đáng kể thời gian trở lại đây. So với cùng kỳ năm ngoái, lãi suất đã tăng khoảng 0,5-1%/năm, mức lãi suất trên 7%/năm đã không còn hiếm mà xuất hiện ở SCB, NamABank, VietCapitalBank, VietABank, VietBank,… Động thái tăng lãi suất đã giúp tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tăng trưởng khả quan ngay trong những tháng đầu năm.
Theo các chuyên gia, khi nói đến lãi suất, ngoài xem xét tương quan với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng, trái phiếu doanh nghiệp…, thì còn dựa vào kỳ vọng lạm phát, cũng như độ dồi dào của dòng vốn liên ngân hàng và nhu cầu vốn.
Xét trên các yếu tố đó, hiện nay, dư địa để lãi suất tiền gửi giảm thêm đã không còn. Bởi áp lực lạm phát đang lớn khi giá nguyên, nhiên vật liệu và hàng hóa đều tăng mạnh do ảnh hưởng của xung đột tại Ukraine, dịch bệnh. Nhiều ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như Mỹ, Anh, Cananda… đã tiến hành thắt chặt chính sách tiền tệ khi lạm phát lên mức cao nhất mấy chục năm.
Ở trong nước, dù lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng trước áp lực của các yếu tố chi phí đẩy, dự báo lạm phát sẽ tăng lên trong thời gian tới. Kỳ vọng của chuyên gia trong năm nay là lãi suất tiền gửi sẽ vẫn tăng, song mức tăng là không quá lớn, dao động trong khoảng 0,5-1%.
Theo ông Hoàng Công Tuấn, Kinh tế trưởng MBS, một số NHTM đã phải tăng lãi suất tiền gửi trong thời gian vừa qua để thu hút thêm dòng tiền từ khu vực dân cư và đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền.
"Mặc dù lãi suất tiền gửi tăng lên nhưng nó vẫn thấp hơn đáng kể so với trước dịch. Do đó mà mức độ tác động của việc này lên thị trường tài chính là không nhiều", ông Tuấn cho biết.
Về tác động của việc tăng lãi suất huy động đến hệ thống ngân hàng, chuyên gia cũng chia sẻ, mặt bằng lãi suất huy động thời gian qua có tăng nhẹ. Tuy nhiên, theo khảo sát, hiện một số ngân hàng đang có tỷ lệ CASA rất cao. Điều này sẽ góp phần trung hòa các tác động từ việc tăng lãi suất huy động, giúp các ngân hàng duy trì được biên lợi nhuận tốt.
Nhiều đơn vị hiện cũng đang dự báo NIM các ngân hàng sẽ vẫn duy trì ổn định. Mặt bằng lãi suất huy động sẽ chỉ tăng nhẹ, một phần là nhờ có các chính sách hỗ trợ của chính phủ, phần khác là nhờ vào yếu tố tiền gửi không kỳ hạn CASA giúp hỗ trợ giảm giá thành đầu vào cho ngân hàng.
Ngoài ra, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết: "Tín dụng từ đầu năm đến nay đã tăng trưởng rất mạnh, hơn 6%. Nếu không tăng lãi suất tiền gửi thì các ngân hàng không thể có nguồn vốn cho vay, đáp ứng nhu cầu về vốn cho sản xuất kinh doanh của xã hội. Việc tăng lãi suất tiền gửi gần như là điều bắt buộc với hệ thống ngân hàng. Câu chuyện các ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm là điều đương nhiên".
A.M (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.