Vì sao ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước còn yếu kém?
Công nghiệp hỗ trợ dù đã được nhìn nhận từ nhiều năm qua, đồng thời khuyến khích phát triển bằng nhiều cơ chế, chính sách; nhưng đến nay vẫn cứ “ì ạch”, thậm chí được ví như một đứa trẻ “mãi không chịu lớn”.
Trong báo cáo của Bộ Công Thương về thực trạng phát triển công nghiệp cho thấy, chế biến chế tạo là một trong bốn ngành có đóng góp lớn nhất cho nền kinh tế (chế biến chế tạo, nông nghiệp, bán buôn bán lẻ và khoáng sản).
Tuy nhiên công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển nên giá trị gia tăng của ngành công nghiệp không cao. Công nghiệp hỗ trợ mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ với các sản phẩm chủ yếu là linh kiện và chi tiết đơn giản, có giá trị thấp trong cơ cấu giá trị sản phẩm…
Tỷ lệ nội địa hóa của hầu hết các ngành công nghiệp ở mức thấp. Điều này khiến các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu, các sản phẩm trung gian, máy móc thiết bị sản xuất.
Nút thắt ở đâu?
Theo số liệu thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 4.000 doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, với tổng số 4.205 sản phẩm. Trong đó có 1.567 sản phẩm hoàn chỉnh. Những con số tuy đã cải thiện hơn, nhưng vẫn còn quá “khiêm tốn” so với nhu cầu và tiềm năng hiện có.
Theo Bộ Công Thương, 70% doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ. Quy mô nhỏ lẻ, thiếu vốn… là một trong số ít nguyên nhân mà các chuyên gia chỉ ra, khiến ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam mãi vẫn khó tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phát biểu tại Diễn đàn "Công nghiệp - Bách khoa - Doanh nghiệp" mới đây, ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công Nghiệp thuộc Bộ Công Thương cho rằng, công nghiệp Việt Nam nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng vẫn gặp quá nhiều khó khăn, trở ngại cần được tháo gỡ. Trong đó, bên cạnh khó khăn về việc tiếp cận vốn, còn 3 yếu điểm khác chưa được khắc phục.
Đầu tiên, nội lực của nền công nghiệp trong nước còn yếu, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp chưa cao, giá trị gia tăng tạo ra trong nước còn thấp. Nền công nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào các nguồn lực bên ngoài, như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, phụ tùng linh kiện, nguyên liệu nhập khẩu…
Thứ hai, nguồn nhân lực công nghiệp còn yếu kém, tỉ lệ lao động đã qua đào tạo thấp, thiếu tính liên kết giữa khu vực sản xuất với các cơ sở đào tạo.
Và cuối cùng, trình độ công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp trong nước còn hạn chế. Khảo sát của Bộ Công Thương về mức độ sẵn sàng của các ngành công nghiệp Việt Nam trước Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho thấy, đa số các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng ngoài cuộc Cách mạng Công nghiệp lần 4, tiếp cận ở mức thấp đối với tất cả các trụ cột của một nền sản xuất thông minh. Phần lớn doanh nghiệp công nghiệp nước ta vẫn đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2-3 thế hệ.
Trong đó có đến 76% thiết bị máy móc, dây chuyền công nghệ nhập từ nước ngoài thuộc thế hệ những năm 1960-1970, 75% số thiết bị đã hết khấu hao, 50% thiết bị được tân trang lại.
Mặc dù công nghệ, thiết bị phục vụ sản xuất lạc hậu nhưng các doanh nghiệp công nghiệp, gồm cả những doanh nghiệp nhà nước lớn cũng chưa thực sự quan tâm đầu tư thoả đáng cho đổi mới công nghệ, cũng như không có khả năng, không đủ nguồn lực đầu tư cho công nghệ.
Gỡ “rào cản” thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ bứt phá
Bài toán giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu không phải là không có lời giải. Tuy nhiên, sẽ cần thêm sự hỗ trợ từ phía các cơ quan liên quan về vốn, về công nghệ… để các doanh nghiệp có thể bước đi nhanh hơn trong thời gian tới. Để có thể hiện thực hoá mục tiêu, đến năm 2025, tỷ lệ đóng góp của ngành công nghiệp, chế biến chế tạo trong GDP của nước ta sẽ là 25%.
Tại một buổi đào tạo làm khuôn mẫu - một công nghệ cơ bản của ngành công nghiệp hỗ trợ, chế biến ở trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, học viên chính tại đây là những người lao động tại các doanh nghiệp hỗ trợ. Mỗi năm, trung tâm này có thể hỗ trợ hàng trăm doanh nghiệp nâng cao công nghệ, cải thiện năng suất lao động.
"Chúng tôi giúp các doanh nghiệp phối hợp với tập đoàn đa quốc gia, cải thiện năng lực sản suất, tư vấn cho doanh nghiệp về kỹ thuật chuyên sâu…", ông Đỗ Nam Bình - quyền Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho hay.
Các doanh nghiệp cũng đang đề xuất thành lập thêm các trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp của từng vùng có thể nằm trực tiếp tại các tỉnh phát triển công nghiệp hỗ trợ, để có thể hỗ trợ được nhiều doanh nghiệp hơn và kịp thời hơn.
Còn theo Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nguồn vốn vay ưu đãi. Ngoài ra, theo các doanh nghiệp, muốn đổi mới công nghệ cần nhập khẩu máy móc, nên họ mong muốn được hưởng ưu đãi thuế giá trị gia tăng.
An MaiNăm 2024, tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP đã phục hồi tích cực trên cơ sở gia tăng các đơn hàng ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học.