Vì sao người dân có CCCD gắn chip vẫn cần tài khoản định danh?

Xã hội
11:18 AM 30/03/2022

Hiện nay, nhiều người dân vẫn còn thắc mắc tại sao có căn cước công dân gắn chip rồi vẫn cần tài khoản định danh điện tử, điều này liệu có gây lãng phí, phát sinh thêm nhiều thủ tục phiền hà hay không...?

Về việc này, Bộ Công an cho hay, hiện nay việc định danh và xác thực cá nhân khi thực hiện các giao dịch ngoài đời thực chủ yếu dựa trên một số giấy tờ nhân thân đã được quy định như chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ chiếu.

Trong khi đó, việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử hiện nay cũng chưa có cơ chế để định danh, xác thực thông tin người dùng bảo đảm tính chính xác, đồng nhất, có kiểm chứng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến.

Vì sao người dân có CCCD gắn chip vẫn cần tài khoản định danh? - Ảnh 1.

Người dân có CCCD gắn chip vẫn cần có tài khoản định danh điện tử (Nguồn: Internet)

Mặt khác, Bộ Công an với vai trò là cơ quan quản lý dân cư nhận thấy cần có trách nhiệm trong việc xác thực, định danh công dân trên môi trường điện tử, góp phần xác định chính xác thông tin công dân, phục vụ công tác quản lý, phòng chống tội phạm, phòng chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng định danh và xác thực điện tử đối với cá nhân còn đáp ứng yêu cầu quản lý đối với giao dịch điện tử trên môi trường mạng nhằm hạn chế hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín gây mất an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Công dân có thể ngồi tại nhà để thực hiện nhiều dịch vụ công (đã được tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử), mà không cần phải trực tiếp đến trụ sở các cơ quan nhà nước. Khi sử dụng danh tính điện tử, hệ thống sẽ tự động điền thông tin của công dân vào các đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin bằng tay như lâu nay. Việc này sẽ giúp tiết kiệm được nhiều thời gian cũng như chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai như trước nay đã làm.

Công dân có thể thay thế căn cước công dân vật lý và các loại giấy tờ mà công dân đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia như: giấy phép lái xe, đăng ký xe, thẻ bảo hiểm y tế...

Công dân có thể thực hiện các giao dịch tài chính (thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội, y tế, chuyển tiền…).

Hiện tại, Công an TP Hà Nội cho biết việc triển khai cấp tài khoản định danh điện tử cho người dân được chia làm ba lộ trình: 

Giai đoạn 1 (từ ngày 25/2/2022 đến 31/3/2022), ngành công an bắt đầu cấp tài khoản định danh điện tử khi công dân đăng ký làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại CCCD (hệ thống và phần mềm đã sẵn sàng cho việc cấp tài khoản định danh điện tử cùng cấp CCCD).

Giai đoạn 2, từ ngày 1/4/2022 bắt đầu cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân đã có CCCD; từ ngày 1/5/2022 cấp tài khoản định danh điện tử cho người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam. Cục C06 sẽ hoàn thành việc xây dựng phần mềm phục vụ cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân đã có CCCD, Cục A08 hoàn thành việc xây dựng phân hệ phần mềm cấp tài khoản định danh điện tử cho người nước ngoài, kết nối thành công với hệ thống định danh và xác thực điện tử của Cục C06.

Giai đoạn 3 (từ ngày 15/7/2022), bắt đầu triển khai cấp tài khoản định danh điện tử cho các tổ chức, doanh nghiệp khi nghị định về định danh và xác thực điện tử được ban hành và có hiệu lực.

Khi thực hiện các thủ tục đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử, công dân cần chuẩn bị CCCD gắn chip còn thời gian hiệu lực. Trường hợp công dân mất CCCD gắn chip hoặc CCCD quá hạn thì có thể thực hiện thủ tục đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử kèm cấp CCCD gắn chip tại cơ quan công an.

HM (T/h)
Ý kiến của bạn