Vì sao nhà đầu tư chứng khoán lại phản ứng với cổ phiếu Sacombank khi nghe tin đồn liên quan đến Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết?

Doanh nghiệp - Doanh nhân
11:05 AM 29/03/2022

Theo tính toán, FLC phải trả khoảng gần 600 tỷ đồng/năm cho khoản vay trung dài hạn tại Sacombank.

Trong phiên giao dịch ngày 28/3, sau khi xuất hiện các tin đồn xung quanh Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, loạt cổ phiếu thuộc hệ sinh thái FLC đua nhau "ngả sàn" với tình trạng trắng bên mua, khối lượng dư bán sàn và dư bán chồng chất, trong khi thanh khoản nhỏ giọt.

Bên cạnh tình trạng bán tháo ồ ạt tại nhóm cổ phiếu họ FLC, một cổ phiếu nhà băng cũng bị "liên luỵ", đó là STB của Sacombank. STB chứng kiến đà giảm sâu khi mất 3,5% ngay ở phiên sáng, chốt phiên giảm đến 5,3% và trở thành mã giảm mạnh nhất dòng ngân hàng, bỏ xa mức giảm chung của ngành.

Lý giải tại sao nhà đầu tư lại có phản ứng như vậy với cổ phiếu STB, có thể điểm qua những nguyên nhân sau.

Đầu tiên, dễ dàng nhận ra trên BCTC của FLC, Sacombank hiện đang là nhà băng cho vay nhiều nhất, với tổng dư nợ tại 31/12/2021 là 1.840 tỷ đồng. 100% dư nợ của FLC tại Sacombank là dư nợ trung dài hạn và mới phát sinh trong tháng 3 và tháng 5 năm 2021.

Nếu so sánh với số dư nợ cho vay khách hàng của Sacombank tại 31/12/2021 là 387.929,5 tỷ đồng, thì dư nợ cho vay FLC chiếm 0,4% tổng dư nợ của Ngân hàng. Tuy nhiên, đây mới là dư nợ cho vay đối với tập đoàn FLC, chưa tính đến dư nợ cho vay với các công ty liên quan hoặc cá nhân, gia đình ông Trịnh Văn Quyết.

Vì sao nhà đầu tư chứng khoán lại phản ứng với cổ phiếu Sacombank khi nghe tin đồn liên quan đến Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết? - Ảnh 1.

Cũng theo thông tin diễn giải trên BCTC, khoản vay tại Sacombank bao gồm 2 khoản vay chi tiết như sau:

Vì sao nhà đầu tư chứng khoán lại phản ứng với cổ phiếu Sacombank khi nghe tin đồn liên quan đến Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết? - Ảnh 2.

Trích BCTC hợp nhất quý IV/2021 của FLC

Khoản vay (i) được cấp bởi Sacombank Hà Nội, dư nợ 1.240 tỷ đồng, thời hạn 60 tháng, mục đích đầu tư dự án, tài sản bảo đảm (TSBĐ) hình thành từ vốn vay. Giả sử khoản vay này có lịch trả nợ đều, tương đương nghĩa vụ trả gốc mỗi năm sẽ là 248 tỷ đồng.

Khoản vay (ii) được cấp bởi Sacombank, dư nợ 600 tỷ đồng, thời hạn 120 tháng, mục đích đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh, TSBĐ bên thứ 3 là quyền sử dụng đất và TS gắn liền với đất. Nếu khoản vay này có lịch trả nợ đều thì nghĩa vụ trả gốc mỗi năm là 60 tỷ đồng.

Trong trường hợp khoản vay (i) áp dụng lãi suất bình quân là 10,5% như khoản vay (ii), tiền lãi FLC phải trả vào khoảng 276 tỷ đồng/năm.

Với cách tính như trên, tổng cộng FLC phải trả khoảng 584 tỷ đồng/năm cho khoản vay tại Sacombank, đương nhiên ước tính này bỏ qua yếu tố không xác định được như lịch trả nợ gốc có thể được thiết kế theo bậc thang và biến động chênh lệch lãi suất của từng khế ước nhận nợ.

Ngoài việc cấp tín dụng cho FLC, Sacombank còn tham gia hợp tác cùng nhiều dịch vụ khác trong hệ sinh thái của ông Trịnh Văn Quyết.

Theo Sacombank đưa tin, ngày 09/04/2021, nhà băng này và hãng hàng không Bamboo Airways cùng hệ sinh thái Bamboo Airways đã tiến hành ký kết hợp tác toàn diện.

Cụ thể, theo thỏa thuận được kí kết, Sacombank cung cấp các dịch vụ tài chính doanh nghiệp liên quan tới tín dụng, bảo lãnh ngân hàng, các dịch vụ thanh toán trong nước và quốc tế, quản lý dòng tiền, dịch vụ ngoại hối… đáp ứng các nhu cầu sản xuất kinh doanh của Bamboo Airways cũng như hệ sinh thái liên quan.

Vì sao nhà đầu tư chứng khoán lại phản ứng với cổ phiếu Sacombank khi nghe tin đồn liên quan đến Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết? - Ảnh 3.

Nguồn: Trang chủ Sacombank

Cùng với việc cung cấp các giải pháp dành cho doanh nghiệp, Sacombank còn cung cấp các dịch vụ tài chính cá nhân cho cán bộ nhân viên của hệ sinh thái Bamboo Airways với mức ưu đãi hấp dẫn. Sacombank sẽ ưu tiên sử dụng các dịch vụ của Bamboo Airways và hệ sinh thái liên quan trong các hoạt động nội bộ.

Về phía Bamboo Airways, với mạng bay nội địa ngày càng đa dạng, mạng bay quốc tế đang được mở rộng nhanh chóng, cùng chất lượng dịch vụ định hướng 5 sao, hãng bay này sẽ đẩy mạnh cung cấp cho Sacombank các dịch vụ vận tải hành khách, hàng hóa, du lịch kết hợp hội nghị, sự kiện golf,… và các dịch vụ thương mại khác trong hệ sinh thái theo chính sách ưu tiên đặc biệt, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh thông suốt tại Việt Nam và trong khu vực của Ngân hàng.

Cuối năm 2021, Sacombank cho ra mắt dòng thẻ tín dụng liên kết Sacombank - FLC dành cho cá nhân và doanh nghiệp với nhiều ưu đãi như: Tặng lượt chơi tại hệ thống sân Golf FLC, giảm giá vòng golf; hoàn tiền khi mua vé máy bay Bamboo Airways hoặc giảm giá vé đoàn; ưu đãi khi thuê du thuyền tổ chức sự kiện hoặc nghỉ dưỡng tại hệ thống FLC Biscom; giảm chi phí tổ chức hội nghị, hội thảo doanh nghiệp...

Vì sao nhà đầu tư chứng khoán lại phản ứng với cổ phiếu Sacombank khi nghe tin đồn liên quan đến Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết? - Ảnh 4.

Thẻ tín dụng cá nhân Sacombank FLC - Nguồn: Trang chủ Sacombank

Vì sao nhà đầu tư chứng khoán lại phản ứng với cổ phiếu Sacombank khi nghe tin đồn liên quan đến Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết? - Ảnh 5.

Thẻ tín dụng doanh nghiệp Sacombank FLC - Nguồn: Trang chủ Sacombank

An Vũ
Ý kiến của bạn