Vì sao nhiều nhà đầu tư bỏ qua Thái Lan và chọn Việt Nam để rót vốn?

Tài chính - Đầu tư
10:44 AM 23/07/2021

Căng thẳng thương mại kéo dài sang năm thứ 4 đã thúc đẩy làn sóng dịch chuyển sản xuất của các doanh nghiệp ra khỏi Trung Quốc. Trong khi đó, Việt Nam và Thái Lan được coi là 2 điểm đến đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, Việt Nam còn nắm giữ các lợi thế cạnh tranh hơn so với các nước Đông Nam Á vì những lý do sau:

Dân số

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang chứng kiến sự chuyển đổi nhanh chóng về dân số và cơ cấu xã hội. Dân số Việt Nam vào năm 2020 là hơn 97 triệu người, dự kiến sẽ đạt 120 triệu người vào năm 2050.

Hiện tại, 70% dân số của Việt Nam dưới 35 tuổi và tuổi thọ trung bình là gần 76 tuổi - con số cao nhất trong nhóm các quốc gia có thu nhập tương tự ở Đông Nam Á. Chỉ số Vốn con người (VCI) của Việt Nam đứng thứ 48 trong số 157 quốc gia và vùng lãnh thổ và đứng thứ 2 trong ASEAN, chỉ sau Singapore.

Dân số Thái Lan hiện đang khoảng 70 triệu người. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc năm ngoái, tỷ lệ sinh tại Thái Lan giảm xuống xấp xỉ Thụy Sỹ và Phần Lan - hai nước phát triển có tỷ lệ sinh giảm liên tục trong nhiều năm.

Liên Hợp Quốc dự báo, hơn 1/4 dân số Thái Lan sẽ trên 60 tuổi vào năm 2030. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định, sự suy giảm trong lực lượng lao động quốc gia của Thái Lan sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước trong 2 thập kỷ tới.

Thuận lợi từ các hiệp định thương mại tự do

Việt Nam đang từng bước mở rộng lợi thế cạnh tranh bằng việc tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA). Con số này cao hơn nhiều so với Thái Lan và các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Vì sao nhiều nhà đầu tư bỏ qua Thái Lan và chọn Việt Nam để rót vốn? - Ảnh 1.

Nguồn: WTO (2019)

Theo Bộ Công thương, một năm sau khi có hiệu lực, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam. Điển hình, trong 10 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước thành viên của CPTPP đã tăng đáng kể.

Nhờ khả năng tiếp cận thị trường không bị ràng buộc đối với các quốc gia CPTPP, xuất khẩu của Việt Nam sang Canada và Mexico - hai quốc gia mà Việt Nam hiện chưa có FTA - đã tăng mạnh. Trong 10 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu sang Canada tăng 28,6%, trong khi xuất khẩu sang Mexico tăng 29%.

Ngoài ra, việc là quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á ký hiệp định thương mại song phương với thị trường EU - Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) - đã thúc đẩy đáng kể lợi thế kinh tế của Việt Nam so với Thái Lan.

Tiêu dùng nội địa tăng trưởng mạnh mẽ

GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gấp 3 lần, từ hơn 600 USD/năm vào năm 2005 lên khoảng 2.800 USD/năm vào năm 2019. Thu nhập tăng đã thúc đẩy sức mua của người tiêu dùng. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), tầng lớp trung lưu của Việt Nam hiện chiếm 13% dân số cả nước và dự báo sẽ tăng lên 26% vào năm 2026. 

Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia hàng đầu khu vực có mức tăng dân số trung lưu. WB cho biết, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam là nhóm người có mức sống trên 15 USD/ngày.

Vì sao nhiều nhà đầu tư bỏ qua Thái Lan và chọn Việt Nam để rót vốn? - Ảnh 2.

Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (NCIF), sự bùng nổ chi tiêu của tầng lớp trung lưu sẽ tạo điều kiện thúc đẩy tăng chi tiêu dùng quốc gia, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Việt Nam là quốc gia duy nhất trong 6 nền kinh tế khu vực Đông Nam Á đạt mức tăng trưởng tích cực vào năm 2020. Trong khi đó, triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế ASEAN khác có vẻ ảm đạm. GDP của Thái Lan dự kiến sẽ giảm 6%, Singapore giảm 5,7%, Malaysia giảm 3,9%, Philippines giảm 3,5% và Indonesia giảm 1%. Theo báo cáo của Bloomberg về triển vọng năm 2021, Việt Nam sẽ nằm trong số các nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong ASEAN với tốc độ tăng trưởng GDP 8,1%; trong khi Thái Lan đứng cuối với 4%.

Ổn định chính trị

Một trong những yếu tố chính khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn với các nhà sản xuất là sự ổn định về chính trị. Câu chuyện thành công của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài là nhờ hệ thống quản lý tài chính hiệu quả. Quá trình đăng ký đầu tư và quản lý thuế ở Việt Nam được phân cấp và từng bước cải thiện nhờ những thay đổi trong luật.

Năm 2019, Tạp chí Tài chính Toàn cầu đã công bố biểu đồ xếp hạng các quốc gia an toàn và nguy hiểm nhất trên thế giới với dữ liệu được tổng hợp từ Diễn đàn Kinh tế Thế giới và Viện Hòa bình Toàn cầu. Trong bảng xếp hạng này, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 83 trong số 128 quốc gia với chỉ số an toàn là 11,15 điểm - xếp trên Thái Lan với 12,27 điểm.

Anh Vũ
Ý kiến của bạn
IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024 IMF dự báo quy mô GDP(PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.559 tỷ USD trong năm 2024

Năm 2024, Việt Nam được IMF dự báo quy mô GDP theo sức mua tương đương - GDP (PPP) đạt khoảng 1.559 tỷ USD, xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, Indonesia vẫn được dự báo xếp thứ nhất với quy mô GDP (PPP) đạt khoảng 4.720 tỷ USD.