Vì sao Sở Y tế TP HCM đề xuất mở lại khu cách ly ở quận - huyện?

Sức khỏe
05:29 PM 16/11/2021

Trước tình trạng F0 tăng, ngành y tế TP HCM muốn mở lại các khu cách ly tập trung của quận huyện để giám sát, điều trị những ca nhiễm không đủ điều kiện cách ly tại nhà.

Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch COVID-19 ở TP HCM chiều 15-11, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP, cho biết tinh thần của TP HCM là chuẩn bị trước một bước, trên một mức để có thể ứng phó với tất cả tình huống. 

Vì vậy, trước tình hình dịch COVID-19 tại TP HCM có xu hướng tăng ở một số địa phương, Sở Y tế đã có đề xuất mở lại khu cách ly ở quận - huyện. Các địa phương cũng đã sẵn sàng chuẩn bị cơ sở vật chất, vị trí phù hợp để chủ động tiếp nhận, chăm sóc, điều trị người mắc COVID-19 (F0) không đủ điều kiện cách ly tại nhà hay chuyển nặng.

Vì sao Sở Y tế TP HCM đề xuất mở lại khu cách ly ở quận - huyện? - Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM. (Ảnh: Vietnamnet)

Vào giữa tháng 10-2021, khi tình hình dịch COVID-19 tại TP HCM dần được kiểm soát, Sở Y tế TP cho biết theo lịch trình của sở, các bệnh viện dã chiến thu dung tại các quận huyện và TP Thủ Đức dần thu hẹp từ nay đến hết năm.

Tuy nhiên, trong những ngày tháng 11 này, số F0 mới tại TP HCM lại có chiều hướng tăng. Riêng một tuần gần nhất (từ ngày 7 đến 13-11), cả TP luôn duy trì trên 1.000 ca, trong đó các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, các quận Bình Tân, 12, Gò Vấp và TP Thủ Đức là những địa phương có số ca F0 cao nhất.

Từ ngày 1-10 đến 12-11, số F0 cách ly tại nhà tăng dần, các ca chuyển nặng cần nhập viện có xu hướng giảm và ở mức thấp. Theo báo cáo Sở Y tế TP ngày 14-11, hiện tổng số F0 đang điều trị và cách ly theo dõi tại nhà là 59.302 ca. Trong đó có 11.497 ca đang điều trị tại bệnh viện tầng 2 và 3, 4.824 ca F0 đang cách ly tập trung và 42.981 ca F0 cách ly tại nhà.

Trước tình hình này, Sở Y tế TP.HCM đã thành lập lại hàng loạt trạm y tế lưu động, kích hoạt đội phản ứng nhanh, tái khởi động mạng lưới thầy thuốc đồng hành, hình thành đội đặc nhiệm kiểm dịch. Và mới đây, trong buổi họp trực tuyến về tình hình dịch giữa các quận huyện và TP Thủ Đức, Sở Y tế đã kiến nghị ban chỉ đạo sớm triển khai lại các khu cách ly quận, huyện và có thêm bệnh viện dã chiến để sẵn sàng thu dung, điều trị F0.

Vì sao Sở Y tế TP HCM đề xuất mở lại khu cách ly ở quận - huyện? - Ảnh 2.

Nhân viên y tế chăm sóc người mắc COVID-19 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Theo Sở Y tế, khi giải thể các bệnh viện dã chiến của thành phố, rất cần các bệnh viện dã chiến của quận, huyện đảm trách thu dung các trường hợp F0 mới không đủ điều kiện cách ly tại nhà. Mô hình bệnh viện dã chiến quận, huyện góp phần giảm tải cho các bệnh viện dã chiến còn lại của thành phố, cũng như giúp các bệnh viện quận, huyện thực hiện chức năng khám bệnh, chữa bệnh thông thường cho người dân khi trở lại công năng ban đầu.

Phương án mở lại khu cách ly ở quận, huyện cũng được các doanh nghiệp sản xuất tại TP HCM đồng tình. Bởi sau hơn một tháng hoạt động theo "bình thường mới", số lượng ca nhiễm ở các khu công nghiệp tăng lên. Thống kê ở 17 khu công nghiệp của thành phố, trung bình mỗi ngày ghi nhận 50-70 ca, có ngày hơn 100 ca. Từ 1/10 đến 9/11, các khu công nghiệp ghi nhận hơn 2.800 F0.

Trao đổi với các cơ quan báo chí, đại diện Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân) cho biết, sau khi sản xuất trở lại, qua xét nghiệm nhà máy phát hiện một số ca nhiễm. Trong đó, nhiều công nhân ở phòng trọ chật chội, không đủ điều kiện cách ly tại nhà, nên mong được đưa đi cách ly tập trung. Mới đây, một công nhân tại nhà máy nhiễm COVID-19, ở nhà trọ, không có phòng riêng đã lây cho 3 người trong gia đình.

Đồng tình, ông Đào Quốc Cường, Giám đốc hành chính Công ty TNHH Juki Việt Nam (Khu chế xuất Tân Thuận, quận 7) cho hay, khi một F0 cách ly tại phòng trọ, người còn lại rất dễ bị nhiễm, từ đó nguy cơ dịch lan vào nhà máy rất cao. "Việc giữ lại các khu thu dung, cách ly tập trung ở những địa phương đông công nhân, lao động rất cần thiết", ông Cường nói.

Mới đây, các khu công nghiệp cũng chủ động lập khu cách ly, điều trị ca mắc COVID-19, như: cơ sở cách ly 100 giường tại Khu công nghệ cao. Hai cơ sở khác tổng quy mô hơn 500 giường ở Khu chế xuất Linh Trung 2 (TP Thủ Đức) và Khu công nghiệp Đông Nam (Củ Chi) chuẩn bị vận hành.

HM (t/h)
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.