Vì sao Tp. Hồ Chí Minh đề xuất không cổ phần hóa Saigontourist?

Doanh nghiệp - Doanh nhân
10:13 AM 08/05/2021

TP Hồ Chí Minh đề xuất Thủ tướng Chính phủ 2 phương án cổ phần hóa Saigontourist do doanh nghiệp này hiện quản lý 4 khách sạng có giá trị lịch sử cần được bảo tồn.

Tại báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội quý I, liên quan đến quản lý tài sản của các doanh nghiệp Nhà nước, các công ty liên doanh có giá trị lịch sử… TP Hồ Chí Minh cho biết, Saigontourist thuộc nhóm cổ phần hoá, nhà nước giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ.

Tuy nhiên, hiện đơn vị này đang quản lý 4 khách sạn có giá trị lịch sử cần được bảo tồn gồm:

- Khách sạn Bến Thành- Rex Hotel.

- Khách sạn Cửu Long- Majestics Hotel.

- Khách sạn Hoàn Cầu- Continental Hotel.

- Khách sạn Kim Đô.

Những khách sạn này đều là những công trình có tuổi đời hàng trăm năm mang giá trị lịch sử. Saigon Tourist là doanh nghiệp Nhà nước của Tp. Hồ Chí Minh thuộc diện cổ phần hóa hiện đang có 29 khoản góp vốn liên doanh bằng quyền sử dụng đất với các tổ chức nước ngoài để thành lập các công ty liên doanh. Do đó Tp. Hồ Chí Minh kiến nghị Nhà nước cần phải quản lý 4 khách sạn này và phần vốn góp tại các liên doanh.

Vì sao Tp. Hồ Chí Minh đề xuất không cổ phần hóa Saigontourist? - Ảnh 1.

Cụ thể, UBND TP Hồ Chí Minh đề xuất hai phương án kiến nghị Thủ tướng xem xét:

Phương án 1: Chấp thuận chủ trương thành lập một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc TP Hồ Chí Minh để tiếp nhận, quản lý đối với 4 khách sạn thuộc Saigontourist và các khoản góp vốn liên doanh khi các doanh nghiệp nhà nước (bao gồm Saigontourist) thực hiện cổ phần hóa.

Phương án 2: Chấp thuận chủ trương không thực hiện cổ phần hóa Saigontourist khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2021 - 2025.

Nếu Saigontourist được giữ 100% vốn Nhà nước, Tp. Hồ Chí Minh sẽ có cơ sở điều chuyển thêm một số tài khoản vốn góp liên doanh trong lĩnh vực khách sạn của các doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa về Saigontourist quản lý, tạo điều kiện nâng cao vai trò chủ chốt của Saigontourist.

Về lịch sử, Saigontourist được hình thành và đi vào hoạt động ngày 1/8/1975 với 236 cán bộ - công nhân viên. Công ty đi vào hoạt động với 5 đơn vị gồm: khách sạn Cửu Long (khách sạn Majestic), khách sạn Bến Thành (khách sạn Rex), khách sạn Độc Lập (khách sạn Caravelle Sài Gòn), khách sạn Hữu Nghị (khách sạn Palace Sài Gòn) và khách sạn Bông Sen

Ngày 31/03/1999, theo quyết định của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn được thành lập, bao gồm nhiều đơn vị thành viên, trong đó lấy Công ty Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh làm nòng cốt.

Saigontourist hiện nay là tập đoàn du lịch hàng đầu Việt Nam với hệ thống trên 100 đơn vị khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, công ty lữ hành, khu giải trí, trường đào tạo du lịch, khu triển lãm hội nghị hội thảo, sân golf, truyền hình cáp.... Đội ngũ cán bộ - công nhân viên toàn hệ thống trên 17.000 người. Hàng năm, Saigontourist đón tiếp và phục vụ trên 3 triệu lượt khách, có quan hệ với hàng vạn đối tác lớn trong và ngoài nước, tổng doanh thu hàng năm trên 22.500 tỷ đồng, lợi nhuận trên 5.000 tỷ đồng.

Tính đến tháng 9/2019, Saigontourist sở hữu 50 khách sạn 4-5sao với 7.550 phòng ngủ tại các tỉnh, thành phố có tiềm năng, lợi thế du lịch, với các thương hiệu khách sạn nổi tiếng. Tại thành phố Hồ Chí Minh, các khách sạn thuộc hệ thống Saigontourist gồm Caravelle, New World, Sheraton, Rex, Majestic, Grand, Continental, Đệ Nhất, Kim Đô, Đồng Khánh, Thiên Hồng, Liberty Central…

Thảo Nguyên (Tổng hợp)
Ý kiến của bạn