Vì sao TP.HCM chưa cho F0 đi làm trực tiếp như Long An, Cà Mau?
TP.HCM hiện mới chỉ cho F1 đi làm trực tiếp, bệnh nhân F0 vẫn phải cách ly do số ca nặng chưa giảm bền vững, và chắc chắn số ca nhiễm tăng thì số ca nặng và tử vong sẽ tăng.
Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM ngày 24/3, lý giải việc thành phố chưa cho F0 đi làm lại như một số tỉnh, thành phố khác, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, các F0 vẫn là người bệnh và cần điều trị tại nhà hoặc bệnh viện.
Thực tế thời gian qua, Thành phố Hồ Chí Minh có số ca tử vong giảm ở mức thấp nhưng số ca nặng chưa giảm bền vững mà lên xuống liên tục. Do đó, nếu số ca mắc COVID-19 tăng, chắc chắn ca nặng, ca tử vong sẽ tăng, đó là kinh nghiệm TP rút ra từ các đợt dịch trước đây.
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Sở Y tế chỉ tham mưu phương án ứng phó với dịch COVID-19, còn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế TP.HCM là cơ quan quyết định, nên sau khi đánh giá số ca mắc COVID-19 mới, số ca nặng, ca tử vong, Sở Y tế đã tham mưu UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho phép F1 đi làm nếu đáp ứng một số điều kiện.
Về vấn đề TP.HCM đã đạt miễn dịch cộng đồng và coi COVID-19 là "bệnh lưu hành" được hay chưa, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho rằng, theo Nghị quyết của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế rà soát, đánh giá các tiêu chí cấp độ dịch, quy định quản lý người nhiễm để đánh giá tình hình, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xem COVID-19 là bệnh đặc hữu.
Trước đó, Bộ Y tế cũng có báo cáo: Hiện nay các chuyên gia, các quốc gia đang thảo luận về đề xuất coi COVID-19 là bệnh đặc hữu. Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cũng đã có trao đổi với các chuyên gia trong nước và chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (USCDC) về vấn đề này và có 4 nhận định quan trọng.
Thứ nhất, dịch COVID-19 trong nước đã ghi nhận các tỉnh thành, như vậy dịch COVID-19 tại Việt Nam đang ở trong gia đoạn chuyển tiếp giữa đại dịch và dịch lưu hành.
Thứ 2, tỷ lệ mắc chưa ổn định, có sự khác biệt lớn giữa các địa phương, đặc biệt là các tỉnh, thành phố đã từng có tỷ lệ nhiễm cao và những địa phương mới có sự gia tăng.
Thứ 3, số ca tử vong theo ngày còn cao so với các bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong hàng đầu trước đây.
Thứ 4, virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, ghi nhận các biến thể mới như Alpha, Delta, Omicron, và cả biến thể phụ BA.1, BA.2 và BA.3, các biến thể này có khả năng né miễn dịch, gây tái nhiễm.
Như vậy, các tổ chức kết luận trong thời gian này, Việt Nam chưa nên coi dịch COVID-19 là bệnh lưu hành, cần tiếp tục phối hợp với WHO và các tổ chức y tế khác theo dõi tình hình, cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để tham mưu Thủ tướng quyết định xem COVID-19 là bệnh đặc hữu hay còn gọi là bệnh lưu hành vào thời điểm phù hợp.
Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 tại Cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu, đã chính thức ngưng hoạt động 10 ngày qua. Công tác bàn giao đang được thực hiện và hoàn thành vào ngày 30/4.
Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 vẫn duy trì hoạt động khám chữa bệnh và chưa bao giờ ngưng tiếp nhận bệnh nhân. Mỗi ngày có khoảng 1.200 đến 1.300 bệnh nhân ngoại trú đến khám, tầm soát bệnh tại đây.
HM (t/h)Mới đây, một trong những nhật báo lớn nhất Ấn Độ - Times of India, đã vinh danh những bãi biển tại đảo Phú Quốc trong top 9 đẹp nhất Châu Á.